GIA ĐÌNH TRUNG LƯU Ở VIỆT NAM VỚI CÁC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI – VĂN HÓA.
Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – 2021. 384 trang.
Đây là cuốn chuyên khảo đúc rút từ kết quả của Đề tài nghiên cứu cùng tên, thuộc Chương trình NCKH Trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước và Hội nhập quốc tế” do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì trong các năm 2017-2019. Đề tài do Hội Xã hội học Việt Nam là cơ quan thực hiện.
Cuốn sách phác họa chân dung xã hội của các gia đình trung lưu (GĐTL), chủ yếu ở các đô thị lớn của Việt Nam, đang trong quá trình định hình và phát triển, dưới tác động của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Gia đình trung lưu, như một nhóm nhỏ, một đơn vị của tầng lớp trung lưu đang hiện ra như một bộ phận quan trọng, đầy tiềm năng trong cấu trúc phân tầng xã hội và có tương tác tích cực với các lĩnh vực khác nhau trong quá trình phát triển của đất nước thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Phần thứ nhất của cuốn sách đề cập đến những vấn đề lý luận và phương pháp luận về tầng lớp trung lưu nói chung và GĐTL ở Việt Nam. Tiếp đến, một chân dung xã hội của các GĐTL ở Việt Nam đã được khắc họa thông qua những đặc điểm nhân khẩu – xã hội cơ bản như quy mô và kiểu loại gia đình, các nhóm tuổi, cấu trúc lực lượng lao động, cấu trúc nghề nghiệp, mức sống, thu nhập và chi tiêu, tài sản và nhà ở, học hành của con cái, các quan hệ gia đình cơ bản (giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái), v.v…
Phần thứ hai của cuốn sách tập trung phản ánh vai trò của GĐTL trong các quá trình phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa hiện nay ở nước ta. Nổi bật là đánh giá về những đóng góp của GĐTL trong phát triển kinh tế, với tư cách là nguồn cung ứng lao động chất lượng cao, khối lượng tiêu dùng lớn tạo nên cầu nội địa và kích thích sản xuất phát triển, tạo việc làm và đóng thuế. Trong phát triển xã hội và văn hóa, các GĐTL đã thể hiện sự tham gia và tính tính cực xã hội trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; vừa giữ gìn và bảo lưu nhiều giá trị cốt lõi, tích cực của mô hình gia đình truyền thống, vừa tiếp thu các giá trị mới của mô hình gia đình hiện đại trong bối cảnh hiện nay.
Kết luận quan trọng của cuốn sách là: các GĐTL ở Việt Nam hiện nay đã có những đóng góp nhất định vào các quá trình phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa của đất nước. Song do vẫn đang trong giai đoạn hình thành, nên thực thể này mới chỉ “lớn” về lượng nhưng chưa “mạnh” về chất, đặc biệt trong quan hệ tương tác với các quá trình phát triển văn hóa – xã hội. Lý do chính nằm ở bối cảnh xã hội Việt Nam đang chuyển đổi, trong đó các GĐTL cũng đang trong quá trình trưởng thành và khẳng định vai trò, vị thế của mình.
Cuốn sách cung cấp cho người đọc những thông tin từ thực tiễn khảo sát, nghiên cứu về TLTL và GĐTL đô thị và có thể hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách về phát triển xã hội, nhằm thúc đẩy để TLTL và các GĐTL trở thành hình ảnh đại diện cho xã hội Việt Nam hiện đại với xu hướng “trung lưu hóa” trong tương lai.