VĨNH BIỆT FRANÇOIS HOUTART – NGƯỜI THẦY VÀ NGƯỜI BẠN
THÂN THIẾT CỦA XÃ HỘI HỌC VIỆT NAM
Trịnh Duy Luân
Ngày 6/6/2017 Giáo sư François Houtart – nhà Thần học giải phóng và nhà Xã hội học xuất sắc người Bỉ đã qua đời ở tuổi 92, tại Quito, Ecuador
F.Houtart sinh năm 1925 ở Brussels, trở thành một linh mục Công giáo năm 1949 và hoàn thành bằng Tiến sĩ Xã hội học tại Đại học Louvain.
Là một học giả xuất sắc, Houtart đã trở thành cây bút tiên phong với tư tưởng chống chủ nghĩa tư bản và tự khẳng định mình là người đi theo truyền thống lý thuyết Mác-xít. Ông là một trong những nhà tổ chức chính của Diễn đàn Xã hội Thế giới Porto Alegre năm 2001, nhằm tạo ra các giải pháp thay thế để giải quyết các vấn đề của thế giới, bao gồm bất bình đẳng và toàn cầu hóa của kinh tế học tân tự do và chính trị học.
F.Houtart là một phần của phong trào thần học giải phóng, giải thích Ki Tô giáo thông qua lăng kính của sự giải phóng căn bản những áp bức xã hội, chính trị và kinh tế. Trong toàn bộ sự nghiệp hàng thập kỷ của mình, ông đã sống ở nhiều nước thuộc Châu Mỹ La-tinh, nghiên cứu các quá trình biến đổi xã hội ở đó. Houtart nổi tiếng với câu nói: Ông tin rằng nhân loại “phải tìm ra được một mô hình (paradigm) mới của cuộc sống, chống lại mô hình của cái chết. Mô hình “công ích của nhân loại”.
Năm 1976, cùng với nhà kinh tế học Marxist người Pháp – Samir Amin, F. Houtart đã thành lập Trung tâm Ba châu (Le Centre Tricontinental – Cetri) và Diễn đàn Thế giới về Các lựa chọn thay thế để nghiên cứu phát triển từ cách nhìn của các chủ thể (actors) ở Nam bán cầu và bảo vệ các quyền xã hội, chính trị, văn hoá và môi trường của họ.
Houtart đã xuất bản khoảng 70 cuốn sách, chủ yếu về mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và biến đổi xã hội, cũng như các lựa chọn thay thế cho chủ nghĩa tư bản ở Mỹ Latinh.
Năm 2009, Houtart được trao giải thưởng UNESCO-Madanjeet Singh vì sự Khoan dung và Không bạo lực, khi ghi nhận “sự phấn đấu suốt đời của ông cho hòa bình thế giới, đối thoại đa văn hóa, quyền con người và khuyến khích sự khoan dung, cũng như những nỗ lực nổi bật của ông trong thúc đẩy công bằng xã hội trên thế giới”
*
* *
Với giới Xã hội học Việt Nam, F. Houtart luôn là người Thầy, người Bạn thân thiết trong suốt 40 năm đã qua. Ông chính là cầu nối để giới Xã hội học Việt Nam, ngay từ những ngày đầu hình thành được tiếp xúc trực tiếp với những tri thức xã hội học phương Tây. Ông và các đồng nghiệp từ Trung tâm Ba châu ở Louvain- la- Neuve đã cung cấp nhiều sách báo, tài liệu học thuật xã hội học quý giá cho Ban Xã hội học (tiền thân của Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam hiện nay) trong những ngày đầu phát triển.
Những năm 1978-1979, Ông cùng các đồng nghiệp từ Bỉ đã đến Việt Nam, trực tiếp thuyết trình những kiến thức cơ bản của xã hội học, cả lý thuyết, phương pháp luận, lẫn phương pháp nghiên cứu xã hội học trên thực địa cho nhóm cán bộ đầu tiên của Ban Xã hội học.
Gắn bó với Việt Nam từ đây, ông đã thiết kế và cùng với các cán bộ của Ban Xã hội học lần đầu tiên triển khai một nghiên cứu xã hội học điển hình (case study) về nông thôn Việt Nam tại xã Hải Vân, huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Kết quả của cuộc nghiên cứu này, các nhà xã hội học trẻ Việt Nam học được những kiến thức và kỹ năng nghiên cứu xã hội học rất giá trị cho sự nghiệp nghiên cứu sau này của mình. Còn F. Houtart và đồng nghiệp – TS. Geneviève Lemercinier đã hoàn thành và xuất bản cuốn sách:“Xã hội học về một xã ở Việt Nam: Tham gia xã hội, các mô hình văn hóa, gia đình, tôn giáo ở xã Hải Vân” (Sociologie d’une commune vietnamienne: participation sociale, modèles culturels, famille, religion, dans la commune de Hai Van). Sách được xuất bản bằng tiếng Pháp (1981) và tiếng Anh (1984) tại châu Âu. Bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn bản năm 2001. Cuốn sách đã giới thiệu tới người đọc phương Tây thực trạng và những chuyển biến của nông thôn Việt Nam với mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cùng những mô hình tổ chức kinh tế- xã hội và văn hóa trong thập niên 1970-1980.
Cùng thời gian này, F. Houtart còn tìm được những học bổng cho một số cán bộ của Ban Xã hội học được đến học tập tại Louvain-la-Neuve. (Phải nói rằng, đây là một hiện tượng cực kỳ hiếm hoi trong bối cảnh đời sống chính trị và khoa học xã hội Việt Nam đầu những năm 1980).
Hai mươi năm sau, vào đầu những năm 2000, F. Houtart trở lại nghiên cứu Hải Vân, trong một bối cảnh mới về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, và hoàn thành công trình với tiêu đề : “Hải Vân – Chủ nghĩa xã hội và Thị trường -Bước quá độ kép của một xã Việt Nam” (Hai Van – Socialisme et marche – La double transition d’une commune Vietnamienne). Công trình phản ánh những bước đầu chuyển đổi về kinh tế – xã hội – văn hóa của Hải Vân dưới tác động của đường lối “Đổi mới”, khi Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.
Hai công trình trong khoảng thời gian 20 năm đã cho người đọc nhận biết những biến đổi kinh tế, xã hội và văn hóa của nông thôn Việt Nam qua bước ngoặt lịch sử mang tên Đổi mới (1986). Có thể gọi hai công trình nghiên cứu này của F. Houtart là một «biên niên sử xã hội học» về những biến đổi xã hội ở nông thôn Việt Nam mà xã Hải Vân là đại diện, trong cả 2 thời kỳ trước và sau Đổi mới.
Sự quan tâm và giúp đỡ của F. Houtart với Xã hội học Việt Nam không chỉ từ góc nhìn học thuật, mà có lẽ bắt nguồn từ tình cảm yêu quý của Ông với đất nước Việt Nam. Ông đã từng là Chủ tịch Hội Hữu nghị Bỉ – Việt Nam, đã từng lên thăm vùng biên giới phía Bắc sau năm 1979. Trong những lần đến Việt Nam, Ông không chỉ làm việc với Viện Xã hội học, mà còn tham gia vào nhiều Hội nghị quốc tế, hoặc thuyết trình những vấn đề quốc tế quan trọng tại Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Khoa Xã hội học của một số trường đại học
Tuyệt vời hơn, F. Houtart không chỉ là một học giả, một nhà xã hội học xuất sắc – Ông còn là một nhà hoạt động xã hội, một chiến sỹ đấu tranh chống lại mọi sự áp bức. Như trong lời Cáo phó của Quỹ Pueblo Indio Ecuador (nơi ông sống và làm việc trước khi mất) có đoạn: “Sáng nay, Francois, người Anh của chúng ta đã qua đời. Ánh sáng nơi Ông vẫn bừng lên, thậm chí mạnh hơn ngay cả khi đôi mắt sáng của Ông đẽ khép lại, đôi mắt đã luôn mở để nhìn vào hiện thực của những con người cùng khổ nhất”. Tâm thức này cũng được thể hiện trong tình cảm và sự quan tâm của ông tới người dân xã Hải Vân trong suốt 40 năm qua.
Người dân Hải Vân vẫn nhớ đến ông, một giáo sư và linh mục phương Tây từ năm 1979, đã đến giúp họ xây dựng Trạm xá xã, gây trồng vườn cây thuốc nam, hướng dẫn học sinh giữ vệ sinh, uống thuốc phòng trừ giun sán. Tiếp đến, trong thập niên đầu của những năm 2000, Ông đã kêu gọi các tổ chức xã hội ở Bỉ, ở Pháp, ở làng quê hương ông, tài trợ các dự án giúp Hải Vân xây phòng học cho trường cấp II, mở Trung tâm dạy nghề, trang bị máy hàng chục khâu công nghiệp để tạo việc làm cho lao động trẻ của xã; xây dựng Trung tâm tin học với hàng chục máy vi tính nối mạng cho mọi người dân đến sử dụng; lập Quỹ tín dụng (số tiền trị giá hàng trăm triệu đồng do Ông huy động từ làng quê mình ở Bỉ) cho Phụ nữ nghèo của xã vay vốn quay vòng làm ăn (hiện nay vẫn đang hoạt động). Chỉ cách đây vài tháng (đầu năm 2017), Ông còn lo mọi việc để mời một đại diện lãnh đạo xã Hải Vân và hai học trò Việt Nam của mình sang Ecuador cùng tham gia nhiều hoạt động của phong trào xã hội tại đây, và giới thiệu hình ảnh về xã Hải Vân của nước Việt Nam đổi mới tới người dân Nam Mỹ.
Cán bộ và người dân Hải Vân vẫn nhớ tới dáng người cao lớn của ông trên những con đường và ngõ xóm. Khi lại thấy ông đầu đội mũ cối đi thăm chợ Hải Vân; hoặc vào nhà thờ giảng đạo cùng linh mục địa phương; lúc thì thăm các lớp học mẫu giáo, học sinh cấp 1, thăm xưởng may, thêu ren hay các xưởng sản xuất đồ gỗ,… Ông đã trở nên gần gũi với cán bộ và người dân Hải Vân, cả thế hệ già lẫn những người trẻ tuổi. Cán bộ và người dân Hải Vân còn có dịp được tổ chức Lễ mừng sinh nhật Ông vào tuổi 85 (năm 2009) và tuổi 90 (năm 2014) ngay tại xã, nhân dịp ông về thăm và làm việc ở đây.
François Houtart đã mất, nhưng Ông đã để lại cho chúng ta nhiều công trình khoa học có giá trị, trong đó có những nghiên cứu xã hội học về Việt Nam và qua đó, đã giới thiệu Việt Nam với thế giới. Chúng tôi sẽ lưu giữ mãi những kiến thức khoa học mà Ông chuyển giao cho chúng tôi, cùng những bài học sâu sắc từ chính con người Ông. Giới nghiên cứu xã hội học Việt Nam cùng cán bộ và nhân dân xã Hải Vân sẽ luôn nhớ về Ông với những tình cảm biết ơn sâu đậm và trân trọng nhất.
Vĩnh biệt François Houtart – Vĩnh biệt người Thầy và người Bạn Thân thiết của Xã hội học Việt Nam !