VẬN DỤNG LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP XÃ HỘI HỌC TRONG NGHIÊN CỨU GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM
Phạm Văn Bích
Trong thập niên đầu thế kỷ XXI, nghiên cứu gia đình ở Việt Nam đã có nhiều cống hiến đáng quý vào việc mở mang và làm giàu tri thức chung về gia đình mà trước đó chúng ta chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ. Tuy nhiên, để đáp ứng được những chuẩn mực khoa học quốc tế, thì còn nhiều điều chưa thỏa đáng, tức là nhiều vấn đề cần bàn. Không tham vọng đưa ra một đánh giá toàn diện về nghiên cứu gia đình, bài viết này chỉ dành riêng nêu ra và phân tích một vài vấn đề nên khắc phục, cả về lý thuyết lẫn phương pháp thu thập thông tin. Thêm vào đó, cần nêu rõ rằng trong khi gia đình được nghiên cứu dưới góc độ và bằng phương pháp của nhiều ngành khoa học, thì bài viết chỉ khoanh lại sự xem xét ở những nghiên cứu xã hội học mà thôi. Vì cần đảm bảo yêu cầu trích dẫn rõ ràng các nguồn mà mình sử dụng trong bài, người viết buộc phải nêu tên tác giả cùng các yếu tố thư mục khác, và điều đó có thể không khỏi dẫn đến sự mất lòng. Hơn nữa, nhiều khiếm khuyết nêu ra trong bài viết này không đơn nhất, mà khá phổ biến (như độc giả sẽ thấy qua những ví dụ được dẫn ra sau đây); mong rằng thực tế đó sẽ không làm ai hiểu rằng đấy là những vấn đề cá nhân riêng lẻ. Người viết bài này hi vọng rằng sự nói thẳng nói thật qua những chứng cứ nêu ra và phân tích về nó sẽ ít nhiều bổ ích đối với những ai có thiện chí và tinh thần cầu thị, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu.
VỀ LÝ THUYẾT
Bấy lâu nay, rất nhiều nghiên cứu về gia đình của chúng ta rơi vào tình trạng chung là chỉ mô tả các sự kiện thực nghiệm, chứ không quan tâm đến lý thuyết. Nói cách khác, hầu hết các nghiên cứu không biết đến, càng không có ý thức áp dụng, kiểm nghiệm và xây dựng lý thuyết. Yêu cầu kết hợp lý thuyết với thực nghiệm đã được đúc kết trong lời một cuốn sách đã trở thành kinh điển trong xã hội học: Mills (1959:66) đã phê phán tình trạng “mù quáng của dữ liệu thực nghiệm mà thiếu vắng lý thuyết, và sự rỗng tuếch của lý thuyết mà thiếu vắng dữ liệu”. Yêu cầu đó được nhắc lại ở một tác phẩm gần đây hơn: “khảo cứu mà thiếu vắng lý thuyết thì mù quáng, và lý thuyết mà thiếu vắng khảo cứ thì rỗng tuếch” (Bourdieu et al., 1992:162).
Nếu lưu ý điều đó, thì thật đáng mừng là lẻ tẻ đã xuất hiện một vài nghiên cứu ít nhiều có lý thuyết về gia đình. Tuy nhiên, vấn đề mới đặt ta là chúng ta nên vận dụng nó ra sao? áp dụng lý thuyết trong nghiên cứu như thế nào? Cụ thể hơn, nên có thái độ như thế nào đối với lý thuyết: trích dẫn ra cho gọi là có lý thuyết hay thật sự vận dụng nó vào nghiên cứu của mình trên thực địa theo nghĩa tán thành hoặc phê phán, bác bỏ, thậm chí thay thế nó bằng lý thuyết mới của riêng mình? Nói rõ hơn nữa, chúng ta nên trình bày lý thuyết ra sao: dành riêng một phần (chương, mục) giới thiệu nó, rồi phủi tay coi như xong nhiệm vụ, và quay sang tập trung trình bày dữ liệu thực nghiệm, hay vẫn cần thường xuyên chuyển từ lý thuyết sang dữ liệu thực nghiệm cuả mình và ngược lại? Tiếc rằng như sau đây ta sẽ thấy, những câu hỏi trên không được đặt ra và không được giải quyết thỏa đáng trong nhiều công trình đã tiến hành cho tới nay.
A. Hiểu chưa đúng lý thuyết
Gần đây cách tiếp cận lý thuyết trao đổi và lựa chọn hợp lý đã được vài ba tác giả Việt Nam giới thiệu, nhưng đáng tiếc là theo một cách hiểu không thật chính xác. Một ví dụ về tình trạng này là việc một nhóm tác giả Việt Nam giới thiệu lý thuyết “trao đổi” (có tên quốc tế là “exchange theory”) trong nghiên cứu ly hôn. Theo cách hiểu của nhóm tác giả trên, thì lý thuyết này cho rằng “ly hôn như một kết quả của sự mất cân bằng các giá trị trong quan hệ hôn nhân” (Nguyễn Thanh Tâm et al., 2002:32). Nói cách khác, “ly hôn xảy ra khi các mối quan hệ cân bằng về các giá trị trao đổi bị mất đi, việc thưởng công cho việc duy trì mối quan hệ thấp hơn so với sự trả giá; hoặc chi phí cho mối quan hệ đó đem lại phần thưởng thấp hơn mối quan hệ khác hoặc cho cuộc sống một mình” (Nguyễn Thanh Tâm et al., 2002:30; những chữ in nghiêng ở đây là do tôi thêm vào – PVB).
Như tôi đã có dịp nêu rõ (Mai Huy Bích, 2005), hai vấn đề rắc rối nảy sinh ở đây. Một, khi giới thiệu, nhóm tác giả trên không hề trích dẫn một nguồn nào, mà chỉ nói chung chung rằng lý thuyết trao đổi ra sao, rồi lý thuyết xung đột là gì v.v… khiến cho độc giả không rõ có thật nội dung và quan điểm của các lý thuyết trên là như vậy không, và liệu những người giới thiệu có hiểu lầm chúng không? Do đó, phần này không thật sự đáng tin cậy và không có sức thuyết phục.
Hai là lý thuyết trao đổi khá trừu tượng, nhưng phần giới thiệu của nhóm tác giả trên không giúp người đọc có thể lĩnh hội được nó. Hơn thế nữa, những khái niệm then chốt của lý thuyết này bị hiểu sai và dịch không chính xác, khiến độc giả thắc mắc không rõ vì sao trong ly hôn người ta lại nói đến và đặt vấn đề “thưởng công”, “phần thưởng”, “chi phí” (những từ in nghiêng trong các đoạn trích ở trên) v.v.? Vì nhóm tác giả không trích dẫn nguồn, nên ta không rõ các từ ấy dịch theo khái niệm quốc tế nào. Dựa trên cơ sở vốn liếng khái niệm của mình về “exchange theory”, người đọc am hiểu lý thuyết xã hội học và sành Anh ngữ chỉ có thể đoán rằng “thưởng công”, “phần thưởng”, “chi phí” đã bị trực dịch từ các khái niệm “rewards” và “costs”. Ví dụ thông qua một từ điển bách khoa toàn thư về xã hội học, ta tìm thấy định nghĩa về “exchange theory” bằng tiếng Anh như sau: đó là một lý thuyết “which views social behavior primarily in terms of the pursuit of rewards and the avoidance of punishment (and other forms of cost)” (Cook, 1992:606). Hay từ một cuốn sách khác về các lý thuyết trong nghiên cứu gia đình, người đọc tìm ra rằng các khái niệm cơ bản của thuyết trao đổi bao gồm “reward” và “cost” (Klein et al., 1996:65). Quả là trong nhiều từ điển Anh – Việt thông dụng hiện nay, các từ trên mang nghĩa đúng như đã dịch – ví dụ xin xem nghĩa của “cost” trong “Từ điển Anh – Việt” (Viện ngôn ngữ học, 1992:360), và của “reward” (Viện ngôn ngữ học, 1992:1424).
Song nếu nhóm tác giả dựa vẻn vẹn vào một nguồn trợ giúp duy nhất là từ điển phổ thông và dịch như thế thì tức là họ chỉ nắm được nghĩa đen của từ, và mới dừng ở mức giải mã ngôn ngữ, chứ không nắm được nội hàm khái niệm. Nếu sử dụng cụm từ “chữ nghĩa” trong tiếng Việt và nói cách khác, thì họ mới chỉ biết mặt chữ mà chưa thật sự hiểu được nghĩa của nó. Hơn nữa, hai khái niệm trên trong tiếng Anh vốn là một cặp đối xứng nhau, nên khi dịch sang tiếng Việt cũng cần chọn sao cho đảm bảo tạo thành một cặp, chứ “chi phí” và “phần thưởng” không đạt yêu cầu đó (ví dụ nếu chọn “chi” thì khái niệm đối xứng nó trong cặp phải là “thu”; và tương tự như vậy, “thưởng” đi đối với “phạt” v.v.). Thuyết “exchange theory” cho rằng trước khi làm một việc gì đó, cá nhân đứng trước nhiều đường lối hành động khác nhau, và do bản chất sống có mục đích và luôn mưu lợi cho bản thân, nên cá nhân lựa chọn đường lối nào mang lợi nhiều nhất cho mình (Mann, 1987:120; Klein et al., 1996:59 -86). Nếu áp dụng vào ly hôn, các khái niệm “reward”, “cost” không mang nghĩa “thưởng” và “chi phí”, mà hàm chỉ những “được – mất”, “hơn – thiệt”, “lợi – hại”, v.v. của người sắp ly hôn. Nói một cách giản dị và ngắn gọn, người định ly hôn đã liệt kê và cân nhắc suy tính xem nếu cố duy trì một mối quan hệ vợ chồng không thoả đáng, họ sẽ được gì và mất gì; còn nếu ly hôn, thì cái được, cái mất với họ là gì. Khi thấy rằng cái được quá ít nhưng cái mất quá nhiều nếu cố duy trì quan hệ vợ chồng không hạnh phúc, thì họ ly hôn. Như vậy, lẽ ra nên dịch các khái niệm lý thuyết then chốt trên đây bằng những cặp phạm trù quen thuộc với người Việt như “được – mất”, “hơn – thiệt”, “lợi – hại”, “điều hay – cái dở” thì hoàn toàn chính xác và dễ hiểu hơn nhiều. Tiếc thay, nhóm tác giả Việt Nam chỉ bám vào Anh ngữ, chứ không làm chủ được nội hàm khoa học của các khái niệm. Họ giải mã ngôn ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt mà không hiểu nó về mặt khái niệm, khiến khi đọc phần giới thiệu của họ, độc giả cảm thấy khó lĩnh hội y hệt như họ. Và do không hiểu khái niệm nên họ không sao Việt hóa được nó.
Điều đáng nói là lỗi sai này không hề cá biệt. Mấy năm sau khi xuất bản cuốn sách trên, một tác giả khác khi giới thiệu thuyết trao đổi xã hội trong bài viết của mình, cũng mắc chính những lỗi vừa nêu, nhất là đã dịch đúng nghĩa đen của hai khái niệm cơ bản. Xin trích một đoạn từ bài viết ấy: “Giả định nền tảng của thuyết trao đổi xã hội là bất kỳ sự tương tác xã hội nào giữa hai người được dựa trên sự nỗ lực của mỗi cá nhân để có được những phần thưởng tối đa và chi phí tối thiểu. Cá nhân chỉ tiếp tục mối quan hệ khi nhận được phần thưởng nhiều hơn chi phí […]. Từ quan điểm trao đổi xã hội, khi mà chi phí nhiều hơn phần thưởng thì hầu hết các cuộc hôn nhân sẽ dẫn đến ly thân hoặc ly hôn. Bởi vì một hoặc cả hai vợ chồng cảm thấy họ không có được bất cứ điều gì từ mối quan hệ đó. Mặt khác, một số người sống trong cảnh hôn nhân không hạnh phúc bởi vì phần thưởng dường như cân bằng với chi phí, nhưng họ vẫn duy trì bởi vì ‘điều đó tốt hơn là sống một mình’ hoặc “Tôi không muốn làm con cái đau khổ’” (Hoàng Bá Thịnh, 2008:86; những chỗ in nghiêng là do tôi nhấn mạnh – PVB). Lỗi này được tác giả trên lặp lại lần nữa ở một ấn phẩm khác (Hoàng Bá Thịnh, 2010:28-29). Ngoài việc không hiểu đúng nội hàm của khái niệm nên không dịch thoát nghĩa được, đẩy người đọc vào chỗ tắc tị, tác giả vừa nêu tên trên đây còn không đọc người khác, do đó không tránh khỏi sai sót mà người khác đã chỉ rõ, hoặc không chịu tiếp thu những góp ý để cải thiện cách hiểu cách dịch chưa thỏa đáng của mình!
B. Lý thuyết chỉ để làm sang
Một công trình khác viết về biến đổi gia đình đã có rất nhiều cố gắng để đưa lý thuyết vào nghiên cứu thông qua việc dành hẳn một chương (chương 3) trình bày không chỉ một, mà tới ba lý thuyết (Lê Ngọc Văn, 2011:157-198).
Tuy nhiên, có hai vấn đề nảy sinh. Thứ nhất là cách chú giải khi trình bày lý thuyết nước ngoài vốn nguyên gốc bằng ngoại ngữ. Người viết sách đã chọn chú giải theo phương pháp cuả giới xã hội học quốc tế thay vì phương pháp phổ dụng ở Việt Nam. Cụ thể là người viết không đánh số chú thích trong văn bản và đặt chú giải ở cuối trang như thông lệ quen thuộc ở ta, mà mỗi lần trích dẫn, trong văn bản cuốn sách thường nêu hai hoặc ba yếu tố (mà giới chuyên môn gọi là thư mục vắn tắt):
1) họ (tên) tác giả,
2) niên đại xuất bản của nguồn được trích dẫn
3) và số trang.
Hai hoặc ba yếu tố thư mục vắn tắt ấy thường đặt trong ngoặc đơn. Sau đó người viết có nhiệm vụ chú giải đầy đủ hơn ở cuối sách (thư mục chi tiết).
Vấn đề đầu tiên là ở chỗ: một số nguồn được dẫn ra trong chương này song cái gọi là “Tài liệu tham khảo” ở cuối sách đã không liệt kê thư mục chi tiết và đầy đủ về các nguồn đó. Cụ thể: ở một trang sách, tác giả dẫn ra ba công trình: Gerhuny et al., 1994; Hochschild, 1989; Sullivan, 1997 (Lê Ngọc Văn, 2011:180). Nhưng trong danh mục tài liệu tham khảo, phần tiếng Anh – vốn trình bày không đúng theo quy chuẩn quốc tế, nên rối rắm, lộn xộn và khó tra cứu, chứng tỏ người viết chưa nắm được yêu cầu và phương thức sắp xếp (Lê Ngọc Văn, 2011:545-547) – độc giả tìm mỏi mắt không thấy bất cứ thông tin chi tiết nào về ba nguồn trên. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là phải có sự ăn khớp giữa thông tin thư mục sơ lược ở văn bản và thư mục chi tiết đầy đủ đặt tại cuối sách!
Chưa hết, một vài thông tin thư mục chi tiết ở cuối sách được cung cấp một cách sai lệch.
Ví dụ: Thorne B., 1982. Feminist Rethingking (sic) of the Family: An overview. New York: Longman (Lê Ngọc Văn, 2011:547).
Gặp thông tin này, có thể những độc giả chưa đọc tài liệu trên song nắm được quy ước trích dẫn theo thông lệ quốc tế sẽ nghĩ rằng đấy là một cuốn sách. Nhưng với những ai đã đọc và tra cứu về nó, thì đó là một bài viết trong cuốn sách nhan đề “Rethinking the family: some feminist questions” do B. Thorne – và không riêng Thorne mà cả một tác giả nữa – làm chủ biên. Theo chuẩn quốc tế, phải phân biệt bài viết với sách. Nhưng người dẫn đã không làm được việc này, nên dễ gây lầm tưởng rằng đấy là một cuốn sách. Điều đó khiến độc giả không tránh khỏi hoài nghi rằng liệu người trích dẫn có thật sự tiếp xúc với nguyên tác và đọc nó hay chỉ dẫn lại từ nguồn khác, và dẫn một cách không chính xác?
Hơn thế nữa, trong suốt chương này với 34 lần dẫn ra các nguồn tiếng nước ngoài (cụ thể là bằng Anh ngữ), thì vẻn vẹn 2 trường hợp có nêu số trang như sau:
(Liz Steel and Warren Kidd, 2001:20) (Lê Ngọc Văn, 2011:169)
(Elaine Leeder, 2004, tr. 48-66) (Lê Ngọc Văn, 2011:195).
Còn ở tất cả 32 lần viện dẫn khác, người viết chỉ nêu họ (tên) tác giả và niên đại xuất bản, chứ không trích và không nêu đích xác số trang.
Ví dụ: J. Bernard (1982); (Thorne, B. 1982) v.v. và v.v.
Tất nhiên, không nhất thiết mọi trường hợp đều phải nêu đủ ba yếu tố thư mục trong văn bản, song tỉ lệ giữa số lần nêu rõ số trang với số lần lược bỏ yếu tố thư mục này là quá chênh lệch (2/32). Điều đó làm nảy sinh nghi ngờ: liệu người viết sách và dẫn ra các nguồn trên đây có thật sự đọc không? Mối hoài nghi ấy càng có cơ sở hơn trong bối cảnh thiếu thốn sách báo nước ngoài kết hợp với trình độ ngoại ngữ rất đáng ngờ cuả nhiều nhà nghiên cứu và đặc biệt tình trạng đang ngày một lan tràn là đọc giả (tức là giả vờ đọc, chứ không đọc thật) mà không ai rà soát và kiểm chứng hiện nay.
Trong khi đó, yêu cầu đặt ra đối với người dẫn là không chỉ nêu tên tác giả và niên đại xuất bản, mà nếu cần còn phải cho biết số trang (tức là cần tạo lập thư mục chu đáo và tỉ mỉ về nguồn) và trích dịch chính xác bản gốc. Yêu cầu này đặt ra là nhằm hai mục đích chính:
1) ghi nhận cống hiến, công lao của người sáng tạo ra nguồn đó, để tránh đạo văn, và
2) giúp độc giả tìm thêm thông tin từ nguồn được dẫn.
“Tạo lập thư mục chu đáo chứng tỏ sự tinh thông của quý vị với tư cách một nhà nghiên cứu và tăng lòng tin của độc giả vào quý vị và công trình của quý vị; nó tạo ra độ tin cậy cho những gì quý vị viết” (Johnson et al., 2002:82). Việc tác giả cuốn sách “Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam” không tuân thủ yêu cầu nói trên khiến độc giả có thể hoài nghi: Liệu tác giả đã thật sự đọc những nguồn mà mình dẫn ra không, hay chỉ dựa theo những điều mình biết qua tài liệu trung gian? Tác giả đích thân đọc trực tiếp hay nương theo sự trình bày, tóm tắt và giới thiệu của người khác? (Tất nhiên, giới xã hội học quốc tế có chấp nhận những trường hợp trích dẫn gián tiếp, tức là thông qua người khác, song vẫn phải nêu rõ là trích lại, trích theo nguồn nào. Và dù sao thì cũng nên hạn chế việc này, bởi không có gì đảm bảo việc trích dẫn lại là đúng lời văn và tinh thần nguyên tác, mà khả năng “tam sao thất bản” là rất cao). Nếu không thừa nhận mình đã dựa theo nguồn trung gian, thì người viết rất dễ rơi vào tình trạng mà khẩu ngữ dân gian gọi là “nghe hơi nồi chõ”! Làm cách nào để tác giả chứng minh cho độc giả tin rằng mình không những tự thân đọc, mà còn hiểu đúng các nguồn mà mình đã dẫn ra? Sự nghi ngờ này càng tăng lên vì rất tiếc là căn cứ theo một trường hợp dẫn nguồn tiếng Anh chi tiết đến mức nêu rõ số trang (cụ thể là đối chiếu với cuốn “The Family” của Liz Steel and Warren Kidd), độc giả sành tiếng Anh sẽ phát hiện ra cách hiểu không thật chính xác (nếu không nói là sai) của người dẫn.
Nếu ta nhớ lại cách hiểu cứng nhắc và trực dịch cặp khái niệm của lý thuyết trao đổi và lựa chọn hợp lý vừa nêu trên đây, thì càng cần tuân thủ yêu cầu đặt ra này để độc giả có thể tin rằng người viết cuốn sách thực sự đã đọc và đã hiểu đúng các lý thuyết. Còn nếu yêu cầu đó không được tuân thủ thì dễ khiến độc giả đặt dấu hỏi nghi ngờ tình trạng không đọc mà làm như có, tức đọc giả vờ – một biểu hiện không chỉ của sở thích muốn làm sang, mà cả sự thiếu thành thực trong học thuật. Và mặc dù bề ngoài là vô hại, song sự thích làm sang này che giấu xu hướng gian dối mà một nền khoa học trung thực cần tránh xa.
Nhưng ngoài ra còn vấn đề thứ hai. Sau khi trình bày hàng loạt lý thuyết, trong phần còn lại, cuốn sách đi vào mô tả những biến đổi của gia đình Việt Nam mà không quay về xử lý các lý thuyết đó bằng cách áp dụng vào thực tiễn Việt Nam để xem chúng có tác dụng gì cho nghiên cứu của mình không, có đúng và khớp với thực tiễn hay cần bổ sung, hiệu chỉnh và sửa đổi? Xin nhấn mạnh rằng: không hề một lần nào tác giả trở lại với lý thuyết, cứ như thể tác giả đã quên hẳn chúng.
Độc giả chờ đợi xem các lý thuyết trên sẽ hoạt động ra sao trong trường hợp Việt Nam, song đã bị hẫng vì sau khi trình bày lý thuyết xong, cuốn sách đặt dấu chấm hết cho mọi bàn luận lý thuyết. Người đọc có thể đặt câu hỏi: Vậy tác giả sẽ nói gì khi vận dụng các lý thuyết được dẫn ra trong sách (cấu trúc chức năng, xung đột và nữ quyền) vào gia đình và sự biến đổi gia đình ở Việt Nam? Lý thuyết có phù hợp và giúp giải thích sự biến đổi gia đình Việt Nam hay không? Nếu lý thuyết không phù hợp hoặc sai so với thực tiễn của ta, thì cụ thể ở điểm nào? Bằng cách gì tác giả chứng minh được sự không phù hợp hay sai sót ấy? Vì sao và dựa trên căn cứ nào tác giả cho rằng nó sai/không phù hợp? v.v. và v.v. Nói gọn lại, tác giả cuốn sách trên không hề đặt ra nên không trả lời câu hỏi: ông định làm gì với lý thuyết?
Tóm lại, lý thuyết được trình bày trong một chương riêng, chỉ nhằm mục đích duy nhất là giới thiệu, chứ không được áp dụng vào Việt Nam. Vì vậy, lý thuyết (chương 3) và phần kết quả nghiên cứu thực nghiệm về Việt Nam (các chương còn lại) chỉ đặt tiếp nhau trong trật tự cuốn sách, chứ tách rời nhau về nội dung, tạo thành hai mảng rời rạc. Mượn lời ví von hình ảnh của K. Marx, chúng giống như hai củ khoai tây được đặt chung vào một cái bao tải, chứ không có bất kỳ liên hệ gì nữa. Kết cục là nếu cắt bỏ chương lý thuyết thì việc đó không hề ảnh hưởng gì tới nội dung toàn bộ phần còn lại, và người cắt không cần làm bất cứ hành động gì để giữ tính logic cho phần còn lại. Nói cách khác, chương lý thuyết được viết ra rút cục chỉ có vẻn vẹn một mục đích là để trang trí, “làm sang”, chứ không phải để vận dụng vào để kiểm nghiệm đúng sai, hay chỉnh sửa phát triển, hoặc cao hơn nữa là thay thế nó bằng lý thuyết mới.
Tình trạng này giống hệt một nghiên cứu được coi là có lý thuyết trước đấy (Nguyễn Thanh Tâm et al., 2002) mà tôi đã nhận xét và góp ý (Mai Huy Bích, 2005). Việc lặp lại sai sót của người khác càng chứng tỏ vốn liếng đọc nghèo nàn của nhiều nhà nghiên cứu chúng ta. Như dịp đó tôi đã phân tích, có sử dụng lý thuyết trong nghiên cứu là một bước tiến đáng ca ngợi so với tình trạng chỉ thuần túy thực nghiệm chay. Tuy nhiên, để tiến xa hơn, cần vận dụng lý thuyết vào thực địa mà mình nghiên cứu, và nên thường xuyên trở đi trở lại với các lý thuyết, soi rọi, phân tích chúng thông qua dữ liệu thực nghiệm ở Việt Nam xem chúng có khớp hay không, nếu không thì không khớp ở chỗ nào, vì sao? Có cần bổ sung, sửa đổi chúng hoặc thậm chí thay thế chúng bằng lý thuyết mới không? Chỉ bằng cách vận dụng, kiểm nghiệm và xây dựng lý thuyết như vậy, hai mảng tri thức khoa học là lý thuyết và thực nghiệm mới gắn bó với nhau, tăng cường lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau. Và chỉ bằng cách như vậy, lý thuyết mới vượt ra khỏi vai trò là vật trang trí, vốn được đính, được dán một cách lỏng lẻo vào một xuất bản phẩm nào đó chỉ cốt sao gọi là có lý thuyết, cốt làm “sang” cho nó. Về mặt này, một thành công mà nhiều nhà nghiên cứu chúng ta (không riêng những ai trẻ và mới vào nghề, mà cả người đã thành danh) có thể và nên tham khảo là công trình về bạo lực đối với phụ nữ của nhóm tác giả Nguyễn Hữu Minh và đồng nghiệp (2009), nơi thật sự vận dụng lý thuyết về chu kỳ bạo lực.
VỀ PHƯƠNG PHÁP
Dễ dàng nhận thấy một phương pháp thu thập thông tin phổ biến là điều tra xã hội học dùng bảng hỏi. Bên cạnh những nỗ lực vượt bậc về tính toán dung lượng mẫu, chọn mẫu và xử lý dữ liệu (phân tích nhị biến, đa biến v.v.), chúng ta không khỏi không nhận thấy những sai sót không đáng có về logic và đặt câu hỏi. Xin nêu một vài trong số đó như sau:
A. Dùng những phép đo tần số mơ hồ
Một thực tế khá phổ biến là khi đặt câu hỏi, nhiều nhà nghiên cứu đã dùng những phép đo tần số rất phổ biến trong đời thường hàng ngày song thật ra cực kỳ chung chung và mơ hồ như “thường xuyên”, “thỉnh thoảng” và “ít khi”. Ví dụ:
“5. Đôi khi giữa vợ chồng có những ý kiến khác nhau về vấn đề gì đó. Trong 12 tháng qua, những vấn đề sau đây, vợ chồng ông bà có bất đồng ý kiến với nhau không? ở mức độ thường xuyên như thế nào? Có nghiêm trọng không?
Thường xuyên ở mức độ nào
1=Thường xuyên
2=Thỉnh thoảng
3=ít khi”
(Vũ Tuấn Huy et al., 2004:299).
Trong các câu hỏi số 6, 7, 10 và 12 của cùng bảng hỏi, phép đo này được tái sử dụng đi sử dụng lại 4 lần nữa! (Vũ Tuấn Huy et al., 2004:300, 310, 311).
Cách đo trên đây xuất phát từ một tiên đề mặc định ngầm rằng tất cả mọi người đều hiểu nó theo cùng một nghiã như nhau. Nhưng thực ra không phải bao giờ và không phải ở đâu cũng thế. Rắc rối là ở chỗ mỗi người được hỏi có thể hiểu “thường xuyên”, “thỉnh thoảng” và “ít khi” theo cách riêng của mình và rất không giống với cách hiểu của người khác. Cùng một tần số có thể là thường xuyên đối với người này song lại bị người kia coi là thỉnh thoảng (và ngược lại). Do đó những cách đo ấy hàm nghĩa rất mông lung, thậm chí là vô định, nên không đáng tin cậy, và không thể đáp ứng yêu cầu về tính chính xác khoa học.
Cần nhấn mạnh rằng việc sử dụng phép đo tần số mơ hồ như trên không cá biệt, mà khá phổ biến. Một học giả dẫn dữ liệu điều tra về mức độ con cái vâng lời cha mẹ và chia sẻ việc nhà cũng tiếp nhận vô điều kiện phép đo tần số mông lung này, chứ không phát hiện ra khiếm khuyết và không hề phê phán nó; thậm chí ông còn chi li nêu tới 4 cấp độ “thường xuyên”: cụ thể là “rất thường xuyên”, “thường xuyên”, “không thường xuyên” và “rất không thường xuyên” (Lê Ngọc Văn, 2011:495-497). Khỏi phải nói, khi thế nào là “thường xuyên” còn rất vô định, thì việc càng “chẻ sợi tóc làm tư” tưởng chừng chính xác như thế thật ra càng xa với tính chính xác, tức là càng phản tác dụng. Từng hướng dẫn và chấm không ít luận án cả ở bậc cao học lẫn nghiên cứu sinh, tôi – tác giả bài viết này – đã phải sửa chữa lỗi đo tần số mông lung ấy không biết bao lần, song sửa được cho người trước thì người sau mắc. Điều đó buộc tôi phải đặt ra một câu chuyện tiếu lâm để kể cho học trò dễ nhớ và dễ nhập tâm cái yêu cầu phải lượng hóa thành con số chính xác và được hiểu thống nhất đối với phép đo tần suất.
Chuyện như sau: Trong một cuộc nghiên cứu về tính dục trong hôn nhân, có nhà nghiên cứu đã hỏi ba người đàn ông về tần suất làm tình của họ với vợ, và kết quả là anh ta nhận được câu trả lời của cả ba rằng họ “thường xuyên” làm chuyện ấy.
Nếu nhà nghiên cứu ghi nhận thiếu suy xét, tức là tiếp thu không phê phán lời khẳng định tần số đó, thì không nảy sinh điều gì. Tuy nhiên, nếu họ gạn hỏi thêm: “Xin nói rõ thêm là thường xuyên đến mức nào? Bao lâu một lần?” thì thật bất ngờ, kết quả thu được là ba con số khác hẳn nhau:
Người thứ nhất đáp: “Ngày một, đêm hai, lai rai không kể”.
Người thứ hai: “Mỗi tuần một lần”.
Người thứ ba: “Mỗi tháng một lần”.
Như vậy, rất có thể điều người thứ hai coi là “thường xuyên” lại là “thỉnh thoảng” với người thứ nhất, và điều “thường xuyên” của người thứ ba lại là “ít khi” ở người thứ nhất.
Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu không thể phê phán người trả lời rằng họ nói sai thực tế. Quý vị độc giả thử đoán xem vì sao! Lý do là bởi mỗi ông trong số ba người nói trên ở độ tuổi khác nhau (vị thứ nhất mới 20, độ tuổi mà mượn một lời thơ có thể mô tả là “gân đang săn và thớ thịt căng da” lại vừa cưới vợ; vị thứ hai tuổi 30 và lấy vợ được một thời gian đủ lâu để đã đến lúc “no xôi chán chè”; và vị thứ ba tuổi 40, đã “mỏi gối chồn chân”). Tuổi tác và thâm niên hôn nhân in dấu ấn sâu sắc đối với ham muốn và khả năng tính dục của họ. Rõ ràng mỗi người trong số họ hiểu “thường xuyên” theo một cách riêng và rất đúng với lứa tuổi của mình. Họ không có lỗi trong cách hiểu ấy. Lỗi sai nằm ở chính và chỉ ở nhà nghiên cứu, tức người thiết kế câu hỏi, bởi nhà nghiên cứu đã tiếp thu và sử dụng không suy xét, không phê phán những phép đo tần số của tư duy thông thường, mà thiếu hẳn tính chính xác và chặt chẽ của tư duy khoa học. Hi vọng rằng việc tôi cố gắng học tập truyền thống “đố tục giảng thanh” trong văn hóa dân gian Việt Nam khi tạo dựng câu chuyện mang vẻ ngoài hơi thô tục này sẽ đủ hiệu quả để độc giả rút ra được một cách thấm thía ý nghĩa không thô tục của nó.
Như vậy, hiển nhiên là nên sử dụng những cách đo như “mỗi tuần một lần”, “hàng ngày”, “hàng tuần” v.v. (Bryman, 2001:150). Nói cách khác, cần lượng hóa các phép đo tần số thành những đơn vị đo dễ hiểu và dễ hiểu thống nhất theo cùng một nghĩa hơn.
Khó lòng chấp nhận việc nhiều người đề cao tính chính xác trong nghiên cứu xã hội học, mà chỉ thực thi điều đó vẻn vẹn bằng những kỹ thuật và công nghệ tinh vi, hiện đại song lại bỏ qua những thao tác logic sơ đẳng nhất trong tư duy để mắc lỗi như trên.
B. Đặt câu hỏi kép
Nhiều nhà nghiên cứu đã đặt những câu hỏi mà mới thoạt nhìn thì trong đó chỉ gồm một, nhưng thực ra hàm chứa hai câu hỏi mà sách báo về phương pháp gọi là câu hỏi kép (double-barelled question). Ví dụ:
“13. Nhà trai và nhà gái có tổ chức đám cưới không?
- Có
- Không”
(Vũ Tuấn Huy et al., 2004:287).
Thực tế câu hỏi kép là câu hỏi về hai điều: nhà trai và nhà gái. Vấn đề nan giải nảy sinh do người ta không biết làm cách nào trả lời tốt nhất đối với cái câu hỏi vốn chỉ cho phép chọn một trong hai phương án loại trừ lẫn nhau này. Theo quan niệm phổ biến thì cưới là một nghi lễ quan trọng ở Việt Nam nên thường cả bên chú rể lẫn bên cô dâu đều tổ chức đám cưới. Tuy vậy, người nghiên cứu không nên coi điều suy đoán từ tri thức đời thường ấy là đương nhiên, mà cần tính tới một khả năng rằng rất có thể nhà trai thì tổ chức đám cưới, song nhà gái thì không (và ngược lại). Nếu ai đó biện luận rằng đấy là một điều giả định mang tính logic thuần túy (nghĩa là chỉ tồn tại trên giấy tờ thôi), thì bằng chứng thực tế đã cho thấy không phải như vậy. Như ghi nhận của một nhà nghiên cứu thời Pháp thuộc, «rất hay có trường hợp là, một trong hai nhà làm cỗ, còn nhà kia không sung túc bằng, thì không» (Nguyễn Văn Huyên, 1944/2016:56). Nói cách khác, không phải cả nhà trai lẫn nhà gái đều tổ chức đám cưới. Nhưng người thiết kế bảng hỏi ở trên đã xuất phát từ một tiên đề mặc định ngầm rằng nhà trai và nhà gái là giống hệt nhau về mặt này, trong khi thực ra họ có thể khác nhau. Nếu khả năng hai nhà khác nhau ấy xảy ra, thì người được hỏi có thể trả lời là “Có”, song câu đó không phản ánh đúng thực tế, mà họ trả lời “Không” thì cũng không đúng nốt. Như thế bất kỳ câu trả lời nào họ đưa ra đều không phản ánh chính xác thực tế.
Rõ ràng người thiết kế bảng hỏi đã không biết đến và không tính tới lời khuyên sau: “Theo một quy tắc chung, hễ khi nào từ và xuất hiện trong một câu hỏi hay trong một câu nói của bảng hỏi, thì quý vị nên soát xét thật kỹ xem liệu quý vị có đang hỏi một câu hỏi kép hay không” (Babbie, 1995: 143).
Tương tự như vậy là câu hỏi sau đây;
“G7. Trong trường hợp vợ chồng chưa (hoặc không) có con, ông bà có nghĩ rằng cặp vợ chồng đó là một gia đình?
- Có
- Không”
(Nghiên cứu gia đình nông thôn Việt Nam 2008)
Câu hỏi này cũng hỏi về hai hiện tượng khác nhau: cặp chưa có con (ví dụ vợ chồng son, mới cưới hay chưa định sinh con) và cặp không có con dù đã nhiều năm chung sống, và nó cho phép chỉ được chọn một trong hai phương án. Nếu tính đến tầm quan trọng và ý nghĩa của con cái ở Việt Nam cũng như tình cảnh những cặp vợ chồng không con do vô sinh hoặc do nguyên nhân nào đó, thì rõ ràng hai hình thái đó khác hẳn nhau, và quan niệm cũng như thái độ của người ta đối với chúng cũng rất khác nhau. Song với câu hỏi kép như trên, khác biệt bị xóa nhòa, và không riêng người trả lời gặp khó, mà nhà nghiên cứu nào muốn phân biệt cũng không thể biết người ta trả lời vào cả hai hình thái hay chỉ một trong hai.
Ví dụ trên cho thấy chúng ta cần bổ sung vào lời khuyên để tránh đặt câu hỏi kép mà Babbie đã đúc rút trên đây thêm một từ nữa: bên cạnh “và” còn có “hoặc”, và cả hai là những từ dễ dẫn đến câu hỏi kép.
C. Sắp xếp trật tự câu hỏi
Nhiều bảng hỏi mở đầu bằng những thông tin về cá nhân người trả lời. Ví dụ: Ngay mục đầu tiên (đặt thứ tự là “I. Thông tin nhận biết”), một bảng hỏi đã thu thập thông tin về bản thân người trả lời, về bố mẹ họ v.v. Đặc biệt còn có câu sau:
“Xin hỏi một số thông tin về anh chị em của ông/bà hiện đang còn sống {…}
Thứ tự sinh/Tên của anh chị em là gì?/Giới tính/Năm sinh/”
(Vũ Tuấn Huy et al., 2004:277).
Đây không phải một trường hợp cá biệt và duy nhất. Trái lại, nó rất phổ biến ở nhiều bảng hỏi khác, và gần như đang trở thành một xu hướng trong lập bảng hỏi. Những người thiết kế bảng hỏi như vậy thường biện luận rằng họ đặt phần thông tin nhân khẩu học về cá nhân ở đầu để tiện theo dõi và giám sát việc điền phiếu. Tuy nhiên, cần nêu rõ hai điều.
Thứ nhất, điều đó trái ngược với những lời khuyên về trật tự câu hỏi mà nhiều sách giáo khoa về phương pháp đã đúc kết từ kinh nghiệm của hàng bao thế hệ các nhà nghiên cứu: những câu hỏi về tuổi tác, nguồn gốc xuất thân về mặt xã hội v.v. không nên hỏi ngay ở đầu một cuộc phỏng vấn (Bryman, 2001:117). Lý giải vì sao như vậy, một nhà nghiên cứu cho biết đó là bởi những câu hỏi có vẻ vô hại này lại đe dọa nhiều người trả lời theo nghĩa họ sợ bị nhận ra (Bernard, 1995:278). Tức là nếu đặt câu hỏi về cá nhân ngay ở đầu bảng hỏi, người trả lời có thể lo ngại rằng họ sẽ bị lộ tên tuổi, danh tính cùng những thông tin riêng tư v.v. Và như vậy, người đặt câu hỏi đã không đảm bảo được nguyên tắc giấu tên, ẩn danh của điều tra xã hội học, và điều đó sẽ gây tác động tâm lý không thuận lợi đến việc họ trả lời các câu hỏi tiếp sau. Như một cuốn giáo khoa về phương pháp định lượng đã nhấn mạnh, “trật tự trình bày các khoản mục bảng hỏi cũng có thể tác động đến những câu trả lời. Trước tiên, sự xuất hiện một câu hỏi có thể tác động tới lời đáp cho những câu hỏi sau đó” (Babbie, 1995:151). Vẫn theo lời khuyên của giới chuyên môn, nên đặt những câu hỏi về kinh tế xã hội và nhân khẩu ở cuối một bảng hỏi, và nếu làm như vậy, thì người trả lời dù ngại cung cấp thông tin riêng tư, sẽ dễ sẵn lòng hợp tác hơn bằng cách trả lời nốt những câu hỏi đó. “Một khi họ đã điền gần xong một bảng hỏi, họ không dễ từ chối nói tuổi tác, thu nhập, tôn giáo, nghề nghiệp của họ” (Bernard, 1995:278).
Thứ hai, ngay một vài chuyên gia thừa nhận tính cần thiết và tầm quan trọng của việc ghi chép thông tin cá nhân về người trả lời ở phần đầu bảng hỏi, thì họ vẫn khuyên làm điều đó ở một trang riêng, để sau này, lúc đã chỉnh sửa bổ sung xong những thông tin còn sót hoặc mâu thuẫn nhau, ngay khi nào có thể, phải xóa bỏ hết tên và địa chỉ người trả lời (Babbie, 1995:451-452). Trong khi đó ở ta nhiều bảng hỏi không làm như vậy. Rút cục thông tin cá nhân về người trả lời nằm ngay ở đầu bảng hỏi, và cố định tại đấy.
Như vậy, không nên vì sự tiện lợi cho việc giám sát điền bảng hỏi của nhóm nghiên cứu mà trút bỏ sự bất tiện cho người trả lời. Như ta vừa thấy rõ, nếu làm như vậy, người trả lời sẽ bị cấn cái bất tiện về tâm lý, và điều đó ảnh hưởng đến ngay chính câu trả lời tiếp theo của họ, và rút cục đến chất lượng thông tin thu về.
Tóm lại, một quy trình nghiên cứu trong xã hội học gia đình nói riêng và xã hội học nói chung bao gồm nhiều khâu, nhiều bước và nhiều giai đoạn, song một số lượng không nhỏ các công trình về gia đình ở Việt Nam thời gian qua có xu hướng coi trọng chỉ một vài bước, vài khâu (chọn mẫu, xử lý số liệu v.v.) mà xem nhẹ một số khâu, một số bước khác (thiết kế bảng hỏi, đặt lời câu hỏi v.v.). Nói cách khác, những người này dường như muốn đem kỹ thuật thay thế tư duy logic, thậm chí bỏ qua những yêu cầu về đạo đức của nhà nghiên cứu. Điều đó tác động không nhỏ đến chất lượng, tính chính xác và độ tin cậy của thông tin thu về.
KẾT LUẬN
Như trên chúng ta đã thấy, việc khắc phục những vấn đề trong áp dụng lý thuyết đòi hỏi chúng ta học cách sử dụng lý thuyết. Muốn thế, cần nắm được những yêu cầu và đòi hỏi của nó, cũng như con đường và cách thức làm việc đó.
Nhà nghiên cứu đưa lý thuyết vào nghiên cứu của mình nhằm một hay nhiều mục đích:
1) Chứng minh lý thuyết đó là đúng, và qua đấy khẳng định tác dụng lý giải, cắt nghĩa của lý thuyết đối với nghiên cứu của mình trên thực địa;
2) Vạch ra rằng lý thuyết đó chưa tính tới một điều nào đấy, và như vậy, còn thiếu sót, và cần bổ sung;
3) Nêu rõ rằng lý thuyết ấy là sai, cần bác bỏ;
4) Và đưa ra một lý thuyết mới để thay thế lý thuyết hiện có vốn còn thiếu sót, thậm chí là sai, là đáng bác bỏ.
Việc giải quyết những nhiệm vụ này đòi hỏi nhiều điều, và không hề dễ thực thi. Tuy nhiên, lý giải và biện minh cho tình trạng không sử dụng lý thuyết trong nghiên cứu gia đình ở Việt Nam, có người từng cho rằng họ phải lo kiếm sống nên thiếu thì giờ và công sức làm lý thuyết. Cứ như cách nói đó, thì khó khăn nan giải trong làm lý thuyết chỉ đơn thuần là vấn đề tiền bạc và thời gian. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của những điều kiện cần cho nghiên cứu lý thuyết. Mặc dù vậy phải nói thẳng rằng cách quan niệm như vậy đã cho thấy một sự đơn giản hóa quá mức. Những ví dụ trên đây về sử dụng lý thuyết không đạt yêu cầu đã cho thấy để làm tốt, thì cần đọc thật (chứ không phải đọc giả vờ), đọc nhiều và thực sự am hiểu chúng, cũng như biết cách vận dụng và xây dựng lý thuyết. Ngoài ra, do xã hội học Việt Nam thiếu vắng truyền thống lý thuyết, và phần lớn lý thuyết ra đời và phát triển ở nước ngoài, nên để làm tốt lý thuyết, thì cần giỏi ngoại ngữ, mà một đòi hỏi cụ thể là sành tiếng Anh. Tuy nhiên, qua ví dụ về cách trực dịch cứng nhắc cặp phạm trù của thuyết trao đổi và lựa chọn hợp lý, chúng ta thấm thía một bài học nữa rằng: rõ ràng giỏi Anh ngữ thôi là không đủ, mà còn phải đi đôi với trình độ tư duy lý thuyết cao thể hiện ở việc am tường những vấn đề trong nội dung lý thuyết để hiểu và chuyển tải đúng nội dung và ý nghĩa, chứ không đơn thuần chỉ là dịch mặt chữ sang tiếng Việt. Mà để thỏa mãn những điều kiện này, nhà nghiên cứu cần trau dồi tri thức và kỹ năng làm lý thuyết một cách thường nhật, đều đặn, chứ không thể chỉ thỉnh thoảng mới ghé vào khi đã rảnh rỗi và no đủ về đời sống vật chất.
Hơn thế nữa, như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, muốn thực hiện được một hoặc nhiều trong số bốn mục đích của việc áp dụng lý thuyết, thì từ vô vàn những lý thuyết hiện có, việc chọn ra cái nào thích hợp cũng là rất quan trọng. Chẳng hạn ba quan điểm mà một nhà nghiên cứu Việt Nam đã dẫn ra (Lê Ngọc Văn, 2011) và chúng ta vừa xem xét đều có thể xếp vào loại ba cách tiếp cận lý thuyết, ba trường phái lớn, hay ba “đại lý thuyết” (grand theories – theo cách gọi của W. Mills). Do đó, việc kiểm định chúng là rất khó và phức tạp. Tất nhiên không ai ngăn cản việc vận dụng những «đại lý thuyết» đó, nhưng theo lời khuyên của nhiều nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm, để vừa sức hơn thì nên chọn cái mà R. Merton đặt tên là những “lý thuyết tầm trung” (middle-range theories).
Như vậy, một điều kiện mấu chốt khác nữa là khả năng tư duy logic để phân tích, nhận xét, đánh giá và lựa chọn các lý thuyết.
Và như chúng ta vừa thấy, tư duy logic cũng rất cần thiết cả trong việc tỉnh táo và nghiêm ngặt áp dụng các phương pháp thu thập thông tin trong nghiên cứu gia đình, ngay từ khi thiết kế bảng hỏi, đặt câu hỏi trở đi.
Sách báo trích dẫn
-Babbie, E. 1994. The Sociological Spirit: Critical Essays in a Critical Science. Second Edition. Belmont: Wadsworth Publishing Company
-Babbie, E. 1995. The Practice of Social Research. Seventh Edition: Belmont: Wadsworth Publishing Company
-Bernard, R. 1995. Research Methods in Anthropology: Qualitative and Quantitative Approaches. Second Edition. Walnut Creek: AlmaMirra Press
-Bourdieu, P. et al., 1992. An Invitation to Reflexive Sociology. Cambridge: Polity Press
-Bryman, A. 2001. Social Research Methods. Oxford: Oxford University Press
-Cook, K. 1992. “Exchange theory”. Trong: Borgatta, E. et al. Encyclopedia of Sociology. Vol. 2. New York: Macmillan Publishing Company
-Hoàng Bá Thịnh. 2008. “Thị trường hôn nhân: một số cách tiếp cận”. Tạp chí Xã hội học, N. 2
-Hoàng Bá Thịnh. 2010. “Đặc điểm và xu hướng thị trường hôn nhân ở xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy – Tp Hải Phòng)”. Tạp chí Nghiên cứu con người, N. 3
-Johnson, W. et al., 2002. The Sociology Student Writer’s Manual. Third Edition. Upper Saddler River: Prentice Hall
-Klein, D. et al. 1996. Family Theories: An Introduction. Thousand Oaks: SAGE
–Lê Ngọc Văn. 2011. Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản khoa học xã hội
-Mai Huy Bích. 2005. “Gắn lý thuyết với thực nghiệm: trường hợp nghiên cứu về ly hôn”. Tạp chí Xã hội học, N. 2
-Mann, M. 1987. Macmillan Student Encyclopedia of Sociology. London: Macmillan
-Mills, W. 1959. The Sociological Imagination. New York: Oxford University Press
-Nghiên cứu gia đình nông thôn Việt Nam 2008. Bảng hỏi cuộc điều tra trong dự án VS-RDE-05: Gia đình nông thôn Việt Nam trong chuyển đổi. Chương trình hợp tác Việt Nam – Thụy Điển về nâng cao năng lực do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ (tài liệu chưa xuất bản)
–Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Vân Anh (đồng chủ biên). 2009. Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam: thực trạng, diễn tiến và nguyên nhân. Hà Nội: Nhà xuất bản khoa học xã hội
–Nguyễn Thanh Tâm et al., 2002. Ly hôn: nghiên cứu trường hợp Hà Nội. Hà Nội: Nhà xuất bản khoa học xã hội
-Nguyễn Văn Huyên. 1944/2016. Văn minh Việt Nam. Đỗ Trọng Quang dịch từ tiếng Pháp. Hà Nội: Nhã Nam.
-Viện ngôn ngữ học. 1992. Từ điển Anh – Việt. Hà Nội: Nhà xuất bản khoa học xã hội
-Vũ Tuấn Huy et al., 2004. Xu hướng gia đình ngày nay (một vài đặc điểm từ nghiên cứu thực nghiệm tại Hải Dương). Hà Nội: Nhà xuất bản khoa học xã hội