Tư duy xã hội học của August Comte
A. Comte được coi là người sáng lập ra ngành xã hội học. Ông cũng là nhà thực chứng nổi tiếng. Đối với ông, mục đích của xã hội học không phải là một khoa học nhằm giải quyết những vấn đề có tính suy đoán, tư biện, vô bổ và cũng không phải là khoa học đưa ra các giải pháp cho các vấn đề trừu tượng mà phải là một khoa học khám phá tri thức, sử dụng nó làm công cụ cải biến xã hội, làm cho xã hội tiến bộ. Trong thời đại của ông, ông cho rằng xã hội thiếu trật tự, rối loạn về chính trị và không thống nhất về mặt tinh thần. Xã hội đó có quá nhiều vấn đề như sự đồi bại của chính phủ, như sự quan liêu hóa, như bất đồng tư tưởng, như bạo lực và những tư duy giáo điều trong giáo dục cũng như khoa học. Cái mà Comte hết sức phê phán đó là sự rối loạn về trí tuệ, tình trạng vô tổ chức, vô chính phủ về mặt tinh thần. A. Comte ra đời sau cách mạng 1789 là 9 năm, nhưng lại trưởng thành qua nhiều chế độ và chính phủ mà theo ông tất cả những chính phủ đó đều không thể giải quyết được thành công những xung đột quốc tế triền miên và những khủng hoảng chính trị nội bộ. Chính phủ Pháp đã chuyển từ Hội đồng (Quốc hội) tương đối dân chủ của cuộc cách mạng 1789 – 1795 thành chính quyền chuyên chế của Hội đồng đốc chính. Đây là chính phủ phi dân chủ và quân chủ của giai cấp trung lưu năm 1795 -1799 và tới chế độ độc tài chuyên chế xâm lược quân sự của Napôlêôn 1799 – 1814 và cuối cùng là việc phục hồi chế độ quân chủ của Bourbon từ 1814 – 1830. Trong suốt những giai đoạn chuyển đổi chính phủ, nước Pháp đã chịu đựng hàng loạt khó khăn lớn về kinh tế, những phức tạp về ngoại giao, quân sự với nước ngoài. So với các quốc gia khác ở châu u, những vấn đề chính trị phức tạp lan rộng ở Pháp, tạo ra hàng loạt rối loạn về mặt tôn giáo, về mặt tinh thần trong đời sống xã hội.