NHÀ Ở XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở HÀ NỘI: Khám phá các Khu tập thể của thành phố và Trải nghiệm của một gia đình cư dân. Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội – 2021. 190 tr.
Sách có bản tiếng Anh:
Hans Schenk & Trinh Duy Luan. SOCIALIST HOUSING IN HANOI. Exploring its collective quarters and Experiences of a resident family. Social Sciences Publishing House – 2021, 197 p.
Cuốn sách bao gồm hai nghiên cứu đề cập đến những chiều cạnh vật thể, như quy hoạch, kiến trúc, và những chiều cạnh xã hội liên quan đến các vấn đề chính sách và góc nhìn của cư dân đối với chương trình xây dựng các khu nhà ở tập thể ở thủ đô Hà Nội trong những thập niên đầu của thời kỳ Kế hoạch hóa tập trung (1960 -1980 và xa hơn nữa). Các kết quả nghiên cứu đã được mô tả, phân tích và đánh giá trong bối cảnh Việt Nam và của Hà Nội với nhiều thay đổi trong nửa sau thế kỷ XX. Nghiên cứu cũng tạo một điểm nhấn, dưới hình thức một nghiên cứu trường hợp minh họa khá chi tiết về nhà ở của một trong số hàng vạn gia đình đã từng sống trong các Khu tập thể (KTT) ở Hà Nội thời kỳ này.
Nhà ở tập thể, hay nhà ở bao cấp XHCN, cũng như cuộc sống của cư dân các KTT được biết đến, không chỉ là kết quả của quá trình phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa của Hà Nội và của Việt Nam. Hơn thế nữa, đó là biểu tượng của mối quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa và các chủ thể của nó, nhất là vào những năm 1960 và đầu những năm 1970. Nhà ở bao cấp XHCN là biểu trưng cho một chính phủ quan tâm đến những công dân làm việc trong các cơ quan sự nghiệp công cộng, đến bảo đảm cho họ và con cái họ chỗ ở hầu như miễn phí, nuôi dạy trẻ em, giáo dục, chăm sóc sức khỏe ban đầu,… Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm đối với những người dân, nam giới và phụ nữ bình thường, điều mà trước đây họ chưa từng được biết đến.
Lịch sử nhà ở bao cấp XHCN của Hà Nội được kể hai lần trong cuốn sách này. Hans Schenk, trong tiểu luận đầu tiên, đã đưa ra một cái nhìn tổng quan, lịch sử, toàn diện về loại hình nhà ở này từ đầu những năm 1950 đến cuối những năm 1990 và xa hơn. Ông cũng đưa thêm vào nội dung này hai chuyến du ngoạn. Đầu tiên, ông đưa người đọc đến với khái niệm so sánh về quy hoạch đô thị và xây dựng hiện đại, bắt nguồn từ Tây Âu vào những năm 1920, và ở Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ hai, để rồi liên hệ với việc quy hoạch và kiến trúc các KTT ở Hà Nội. Tiếp đó, ông giới thiệu về các chương trình nhà ở công cộng thất bại, dành cho công nhân công nghiệp ở Bombay, Ấn Độ, trong những năm 1950. Hans Schenk không phải là người đầu tiên nghiên cứu về các khu nhà ở tập thể ở thủ đô Hà Nội. Nhiều nghiên cứu dựa trên khảo sát những chiều cạnh của lịch sử nhà ở tập thể ở Hà Nội đã được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Bằng chuyên luận này, Hans Schenk muốn đưa tới cho bạn đọc những hiểu biết về chủ đề trên, qua các ấn phẩm đó, và trình bày nó theo cách dễ tiếp cận cho nhiều đối tượng người đọc hơn.
Trong chuyên luận thứ hai, Trịnh Duy Luân tập trung vào một khía cạnh khác của nhà ở bao cấp XHCN ở Hà Nội: cuộc sống trong các KTT vào những thập niên 1980-2000. Chuyên luận sử dụng tư liệu từ một câu chuyện dài (life history) về lịch sử nhà ở của một gia đình viên chức ở Hà Nội: từ cách cặp vợ chồng trẻ xoay sở để có được chỗ ở riêng, rồi từng bước cải thiện điều kiện nhà ở, tới khi được ở trong một căn hộ khép kín cũ, sau hơn 10 năm phấn đấu; và rồi gần 20 năm sau, rời bỏ nhà ở bao cấp XHCN để chuyển sang nhà ở tư nhân theo cơ chế thị trường. Xen kẽ trong câu chuyện là các quan sát và phân tích khái quát về các chính sách và quá trình phân phối nhà ở cho cán bộ, viên chức nhà nước giai đoạn này.
Kết luận của chung cho cả 2 chuyên luận trong tập sách là: Nhà ở tập thể XHCN, ban đầu được khởi xướng nhân danh những mục tiêu phúc lợi và phát triển, cuối cùng đã không đáp ứng được những khát vọng nhà ở của các gia đình cư dân ở Hà Nội trong giai đoạn mới. Từ đầu những năm 1990, với công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước, thị trường bất động sản được hình thành đã dần áp đảo mô hình nhà ở bao cấp XHCN ở Hà Nội. Nhà ở tập thể XHCN, hiện thân bởi các KTT đang dần bị thay thế bởi các mô hình nhà ở mới. Mặc dù vậy, các KTT của Hà Nội và cuộc sống của cư dân ở đây sẽ vẫn được lưu giữ như những giá trị xã hội và văn hóa, trong tính liên tục của sự tiếp biến, cũng như trong ký ức của nhiều thế hệ cư dân trong một giai đoạn phát triển lịch sử của thành phố Thủ đô.
Sách giành cho những ai quan tâm tới vấn đề nhà ở đô thị, chính sách nhà ở, xã hội học đô thị, và lịch sử nhà ở đô thị Hà Nội thời bao cấp, từ tiếp cận liên ngành: lịch sử, xã hội học, quy hoạch-kiến trúc, chính sách, phát triển đô thị, v.v.…