“Ngày Xã hội học Nam Bộ” là hoạt động thường niên của các Chi Hội Xã hội học phía Nam, do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đề xuất năm 2008 và đồng tổ chức luân phiên tại các trường đại học, viện nghiên cứu có đào tạo, nghiên cứu ngành xã hội học trên địa bàn các tỉnh thành phía Nam. Tiếp nối truyền thống này, năm nay, trường Đại học Thủ Dầu Một vinh dự đăng cai tổ chức Ngày Xã hội học Nam Bộ – Năm 2021.
Ngày 30/12/2021, trường ĐH Thủ Dầu Một phối hợp với các Chi Hội Xã hội học phía Nam tổ chức Ngày hội xã hội học Nam Bộ năm 2021 với chủ đề “Xã hội học Nam Bộ thập niên 2020: Tầm nhìn và chương trình hành động”. Ngày hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu điều hành tại trường ĐH Thủ Dầu Một. Ngày hội đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các đơn vị nghiên cứu, đào tạo xã hội học và các chi hội Hội Xã hội học Việt Nam ở phía Nam, như: ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Mở, ĐH Văn Hiến Tp.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Lạt, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ,…
Ngày hội của những người yêu nghề Xã hội học
Gần 45 năm trôi qua kể từ khi tổ chức xã hội học đầu tiên thành lập ở nước Việt Nam thống nhất là Ban Xã hội học, nay là Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, năm 1977. Đối với các địa phương phía Nam thì ban Xã hội học thuộc Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã được thành lập từ đầu những năm 80, và tiếp đó là sự ra đời của Khoa Phụ nữ học (khoa Xã hội học năm 2003) thuộc trường Đại học Mở đầu thập niên 90, khoa Xã hội học thuộc trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM năm 1998, v.v. Cho đến nay, đã có hàng ngàn nhân sự làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp trong lĩnh vực xã hội học ở Việt Nam.
Với sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức nghiên cứu và đào tạo xã hội học, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước các nhà xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các tổ chức nghiên cứu và đào tạo xã hội học khác đã đóng góp những nỗ lực đầu tiên nhằm thành lập Hội Xã hội học. Năm 2006, Hội Xã hội học Việt Nam chính thức được thành lập, trở thành tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tự nguyện của các tổ chức, công dân Việt Nam đã và đang làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo, phổ biến và ứng dụng xã hội học trên phạm vi cả nước. Sự ra đời của Hội Xã hội học Việt Nam là một dấu mốc quan trọng nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết những người yêu mến nghề xã hội học cùng nhau tiến hành các hoạt động xây dựng, phát triển ngành và nghề XHH Việt Nam.
Phát biểu chào mừng Ngày hội, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh, Ngày Xã hội học Nam Bộ là một sự kiện học thuật quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên, sinh viên chuyên ngành xã hội học trên địa bàn phía Nam gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học thuật, thiết lập và duy trì một mạng lưới nghiên cứu, giảng dạy xã hội học hiệu quả. Đây cũng là diễn đàn để các đơn vị quảng bá thành quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu xã hội học của đơn vị mình đến với xã hội. TS vui mừng cho biết, trường ĐH Thủ Dầu Một được chọn đăng cai Ngày Xã hội học Nam Bộ năm 2021 là một vinh dự lớn và là dịp để Trường tiếp tục khẳng định sự đồng hành với lĩnh vực khoa học xã hội học vì lợi ích phát triển của xã hội học khu vực Nam Bộ và xã hội học Việt Nam.
Từ điểm cầu Hà Nội, GS.TS Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam khẳng định, các tổ chức xã hội học ở Nam Bộ trong những năm qua đã có nhiều hoạt động và đóng góp vào thành tựu chung của ngành cả về hoạt động đào tạo, nghiên cứu và công tác thực tiễn ở địa phương. Hoạt động để lại nhiều tiếng vang và rất có ý nghĩa chính là việc tổ chức “Ngày Xã hội học Nam Bộ” cho đến nay đã được hơn 10 năm. Ngày hội không chỉ là nơi để những người công tác trong lĩnh vực xã hội học chia sẻ, trao đổi về các vấn đề lý luận và thực tiễn mới về xã hội học mà còn là môi trường học tập rất hữu ích cho các bạn sinh viên, học viên cao học hay nghiên cứu sinh xã hội học.
Xã hội học Nam Bộ thập niên 2020: Tầm nhìn và chương trình hành động
Sự phát triển của xã hội học ở Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Không phải lúc nào những kiến giải xã hội học cũng được chấp nhận và đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống. Vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục phấn đấu để ngành xã hội học Việt Nam nói chung và các cơ sở đào tạo nghiên cứu xã hội học ở khu vực phía Nam nói riêng đóng góp được nhiều hơn nữa cho xã hội. Với chủ đề “Xã hội học Nam Bộ thập niên 2020: Tầm nhìn và chương trình hành động”, hội thảo đã quy tụ 10 báo cáo tham luận, và tập hợp 12 chủ đề nghiên cứu về xã hội học ở trường ĐH Thủ Dầu Một trong năm 2021. Các tham luận và ý kiến trao đổi bàn về tình hình hoạt động đào tạo và nghiên cứu xã hội học ở một số trường đại học trên địa bàn các tỉnh phía Nam, như: Tp.HCM, Bình Dương, Đà Lạt; thực trạng của việc vận dụng kiến thức và kỹ năng xã hội học trong các loại hình hoạt động của người làm nghề công tác xã hội; giới thiệu và một số công trình công bố của các nhà nghiên cứu xã hội học và công tác xã hội trong thập niên 2020.
Đối thoại tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, sự xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức đào tạo và nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam cũng như sự thống nhất, tập hợp lại các tổ chức qua Hội Xã hội học Việt Nam, đã chứng tỏ sự cần thiết và nhu cầu xã hội đối với sự phát triển của ngành. Bên cạnh các giảng viên, nghiên cứu viên xã hội học là một đội ngũ hùng hậu những người tốt nghiệp xã hội học và làm việc ở các lĩnh vực quản lý, giải quyết công việc thực tiễn. Chính những thành viên này đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh của nghề xã hội học và những gì mà xã hội học có thể đóng góp vào việc thay đổi thực tiễn xã hội. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu xã hội học hiện nay còn thiếu những nghiên cứu mang tính so sánh có hệ thống giữa các địa bàn khảo sát ở phía Nam nói riêng và giữa các địa bàn phía Nam với các địa phương khác trên cả nước nói chung. Điều đó làm hạn chế khả năng phân tích tính đa dạng trong sự thống nhất của các vấn đề xã hội của đất nước cũng như sự phát triển lý thuyết xã hội học ở Việt Nam.
Đóng góp các giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu thuộc lĩnh vực xã hội học, công tác xã hội, các đại biểu đồng nhất cho rằng, các cơ sở đào tạo cần triển khai các khóa đào tạo năng lực cho giảng viên, các chương trình nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành. Ngoài ra, chú trọng quan tâm hoạt động quảng bá các kết quả nghiên cứu xã hội học thông qua nhiều kênh khác nhau như tạp chí, hội nghị khoa học,… Đặc biệt, người theo học ngành xã hội học, công tác xã hội phải có tâm thế tự tin với nghề, có niềm đam mê và yêu nghề; thường xuyên thực hành các kiến thức, kỹ năng trong các sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp chúng ta có nền tảng cơ bản vững chắc và kinh nghiệm trong công việc mà thị trường việc làm trong tương lai.
“Ngày Xã hội học Nam bộ” là một hoạt động thường niên của các Chi Hội Xã hội học phía Nam, do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đề xuất vào năm 2008 và đồng tổ chức luân phiên với các trường đại học có đào tạo ngành xã hội học trên địa bàn phía Nam hàng năm. Từ đó đến nay, sự kiện này đã lần lượt được tổ chức qua 10 lần, tại: trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM (năm 2009, 2014, 2018), trường ĐH Bình Dương (năm 2011), trường ĐH Tôn Đức Thắng (năm 2013), trường ĐH Đà Lạt (năm 2016), Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (năm 2017), trường ĐH Mở Tp.HCM (năm 2019, 2020), trường ĐH Thủ Dầu Một (năm 2021). |
Ngày hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu điều hành tại trường ĐH Thủ Dầu Một
TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng phát biểu chào mừng Ngày hội
Từ điểm cầu Hà Nội, GS.TS Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam phát biểu chúc mừng Ngày hội
GS.TS Bùi Thế Cường điều hành Ngày hội
Các tác giả tham luận trình bày báo cáo khoa học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Nguồn: https://tdmu.edu.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/ngay-hoi-xa-hoi-hoc-nam-bo-nam-2021
BBT