Hội thảo Tư vấn phải biện “Trách nhiệm xã hội của người dân trong ứng phó và chiến thắng đại dịch Covid-19 ở nước ta vừa qua: Thực tiễn và những bài học”
Được sự hỗ trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Xã hội học, ngày 15 tháng 11 năm 2021, Hội Xã hội học Việt Nam (Hội XHHVN) đã tổ chức Hội thảo Tư vấn phản biện “Trách nhiệm xã hội của người dân trong ứng phó và chiến thắng đại dịch Covid-19 ở nước ta vừa qua: Thực tiễn và những bài học” tại Hội trường của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nôi. Đây là một trong những hoạt động thường niên của Hội XHHVN, đóng góp vào chuỗi các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo, tư vấn phản biện, phổ biến kiến thức và ứng dụng Xã hội học của các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo trên khắp đất nước, nhằm duy trì, phát triển và tôn vinh chuyên ngành Xã hội học. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Việt Nam vừa phải từng bước ứng phó, khắc phục khó khăn, vừa nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục phát triển kinh tế -xã hội.
Trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19, Hội thảo Tư vấn phản biện được tổ chức với hai hình thức, kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Tới dự trực tiếp Hội thảo, đại diện Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội XHHVN; đại diện Viện Xã hội học có PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học. Về phía Hội Xã hội học Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam; GS.TS. Trịnh Duy Luân: Nguyên Chủ tịch Hội XHHVN, Chủ nhiệm nhiệm vụ Tư vấn phản biện; các Phó Chủ tịch; Ủy viên Thường vụ; Ủy viên Ban Chấp hành Hội, Chi hội trưởng và Hội viên của một số Chi hội tại Hà Nội. Với hình thức trực tuyến qua phần mềm zoom, Hội thảo cũng nhận được nhiều sự quan tâm, tham dự của các đại biểu là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội, Chi hội trưởng và Hội viên 18 Chi hội tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Lạt.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam đã điểm lại quá trình phòng chống dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong gần 2 năm qua, các kết quả đạt được và những khó khăn thách thức, từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy ý thức, trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của mỗi người đối với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội trong ứng phó với đại dịch. Tiếp nối phần phát biểu khai mạc, Báo cáo đề dẫn Hội thảo của GS.TS. Trịnh Duy Luân đã đề cập và phân tích vấn đề từ cách tiếp cận Xã hội học. Theo đó, giữa quy định, sự tuân thủ và thực tế hành động luôn có sự chi phối của yếu tố cấu trúc xã hội. Người dân không chỉ là đối tượng bị tác động, chịu ảnh hưởng mà còn là những chủ thể đang tích cực, chủ động ứng phó, thích nghi với những điều kiện mới trong đại dịch. GS.TS. Nguyễn Hữu Minh và GS.TS. Trịnh Duy Luân cũng đã lưu ý đến sự thiếu hụt các nghiên cứu từ góc độ Xã hội học về vấn đề trách nhiệm xã hội của người dân trong ứng phó với đại dịch. Sau phần phát biểu khai mạc và Báo cáo đề dẫn, chương trình hội thảo được chia thành hai phiên nội dung với 5 báo cáo trình bày và các ý kiến trao đổi, qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, gợi mở những hướng thảo luận quan trọng về vai trò, trách nhiệm, sự tham gia và tính tích cực xã hội của chủ thể – người dân trong ứng phó với đại dịch từ các địa phương và lĩnh vực khác nhau.
GS.TS. Trịnh Duy Luân, GS.TS. Đặng Nguyên Anh và PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Hoa chủ trì phiên họp 1. Nội dung Phiên 1 gồm 3 báo cáo tham luận: Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến sức khỏe tinh thần (GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); Phục hồi và thích ứng giáo dục, đào tạo trong đại dịch Covid-19 (GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Trường Đại học Giáo dục); Sự tham gia của người dân trong phòng chống dịch Covid-19 ở thành phố Đà Nẵng hiện nay (TS. Lê Văn Định, Học viện Chính trị Khu vực III). Chủ trì phiên họp 2 có GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, GS.TS. Trịnh Duy Luân, GS.TS. Đặng Nguyên Anh. Nội dung phiên họp 2 gồm 2 báo cáo tham luận: Thực trạng nhận thức của người dân về các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh (TS. Nguyễn Minh Nhựt, Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh); Phát huy trách nhiệm xã hội các chủ thể của cộng đồng vào ứng phó với đại dịch Covid-19 ở Việt Nam (PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện, Viện Xã hội học). Ở cả hai phiên nội dung, nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn, phương pháp và kinh nghiệm nghiên cứu đã được chia sẻ và thảo luận, nhằm góp phần làm rõ thực trạng phát huy trách nhiệm xã hội của người dân trong bối cảnh đại dịch, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cần thiết không chỉ cho việc tiếp tục phòng chống Covid-19 mà còn trong các chính sách quản lý rủi ro nói chung.
Hội thảo Tư vấn phản biện đã thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc đối với đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, học viên; là sự động viên to lớn đối với Hội XHHVN trong nỗ lực cùng các cơ quan, tổ chức và người dân trên toàn quốc tham gia phòng, chống và từng bước kiểm soát đại dịch Covid-19. Hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề nghiên cứu chuyên sâu, là cơ hội để các đại biểu trao đổi học thuật, nâng cao nhận thức và kỹ năng về các vấn đề có liên quan, làm phong phú thêm kho tàng kiến thức, từng bước nâng cao năng lực chuyên môn cho các nhà nghiên cứu, hội viên Hội XHHVN, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp mà Đảng và Nhà nước đặt ra nhằm khống chế tốt dịch bệnh. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là cơ hội để đại biểu từ các Chi hội Xã hội học, cơ sở đào tạo Xã hội học chia sẻ khoa học, phát triển quan hệ hợp tác; là động lực giúp các nhà khoa học thêm cố gắng, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển ngành Xã hội học ở Việt Nam./.
Trần Nguyệt Minh Thu
Một số hình ảnh tiêu biểu