Tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong hai ngày 18 và 19 tháng 10 năm 2019, đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Gia đình trong các xã hội hiện đại và mang tính toàn cầu: Truyền thống được bảo lưu và Biến đổi“. Hội thảo quốc tế do Hội Xã hội học Việt Nam (VSA) phối hợp với Ủy ban Nghiên cứu Gia đình (RC06) thuộc Hiệp hội Xã hội học Quốc tế (ISA) tổ chức. Có hơn 180 đại biểu đến từ 25 nước và vùng lãnh thổ tham dự, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức trực tiếp chủ trì Hội thảo. Đại biểu phía quốc tế có: GS. Susan A. McDaniel, Chủ tịch RC06, Ủy viên Ban chấp hành ISA; GS. Barbara Barbosa Neves, Tổng Thư ký RC06; GS. Charles Hirschman, GS danh dự, Khoa Xã hội học, Đại học Tổng hợp Washington, Hoa Kỳ; GS. Emiko Ochiai, GS Khoa Xã hội học, Đại học Tổng hợp Kyoto, Nhật Bản; và khoảng 80 diễn giả quốc tế khác. Đại biểu phía Việt Nam có: TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); TS. Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch VUSTA; TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, đại diện Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; và khoảng 100 đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành Trung ương, các trường đại học, các viện nghiên cứu.
Trong phạm vi tổ chức của RC06 thuộc Hiệp hội Xã hội học Quốc tế (ISA), đây là Hội thảo có quy mô lớn và ý nghĩa, với tổng số 2 phiên họp toàn thể, 27 phiên họp chuyên đề, 130 bài tham luận trình bày. Trong báo cáo chính với chủ đề “Gia đình châu Á: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai” được trình bày tại phiên toàn thể, GS. Charles Hirschman, GS Danh dự, Khoa Xã hội học, Đại học Tổng hợp Oa-Sinh-Tơn (Seattle, Hoa Kỳ), Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dân số học Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên và Xã hội Hoa Kỳ đã phát biểu: Cấu trúc gia đình châu Á ngày nay đa dạng hơn so với trong quá khứ; Quy mô gia đình, mô hình chung sống sau hôn nhân, mối quan hệ giới và sự tan vỡ hôn nhân có nhiều biến thể ở các địa bàn khác nhau; Trong giai đoạn hiện nay, một số xã hội châu Á đang có mức sinh đặc biệt thấp và tỷ lệ không kết hôn tương đối cao, trong khi đó ở những xã hội khác có sự giao thoa mạnh mẽ giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống.
Tại 27 phiên họp chuyên đề, nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu liên quan tới việc tìm hiểu đặc điểm, sự biến đổi gia đình của thế giới trong quá trình hiện đại hóa, toàn cầu hóa đã được thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm. Nội dung các phiên họp được phân chia theo nhiều chủ đề khác nhau như: Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu gia đình; Khía cạnh văn hoá trong sự biến đổi hôn nhân và gia đình; Quan hệ giới và hôn nhân; Sự hài lòng với hôn nhân; Gia đình dân tộc thiểu số; Chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh già hoá dân số; Khía cạnh giới trong việc chăm sóc trẻ em; Việc sử dụng internet và chăm sóc trẻ em; Bạo lực đối với trẻ em; Quan hệ giới và công việc; Vấn đề ly hôn v.v.. Trước khi kết thúc 2 ngày hội thảo, toàn thể các đại biểu đã tham gia vào phiên họp tổng kết, được nghe báo cáo “Chia sẻ di sản trí tuệ châu Á: Xây dựng nền tảng cho Xã hội học gia đình châu Á” do GS. Emiko Ochiai trình bày. GS. Emiko là Giáo sư Khoa Xã hội học, Đại học Tổng hợp Kyoto, Nhật Bản, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu châu Á (KUASU), Đại học Tổng hợp Kyoto, Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhật Bản. Trong báo cáo, GS. Emiko đã nêu lại quá trình vận động và thành lập Diễn đàn quốc tế Kyoto về nghiên cứu châu Á để xây dựng cơ sở tri thức cho việc so sánh các nghiên cứu chung trong khu vực châu Á.
Hội thảo quốc tế đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách; góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới; gợi mở nhiều vấn đề về chính sách, các yếu tố ảnh hưởng, dự báo xu hướng gia đình trong vài thập niên tới. Hội thảo là cơ hội tốt để trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm, làm phong phú kiến thức xã hội học, nâng cao hiểu biết về gia đình; thúc đẩy các hoạt động học thuật và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo Xã hội học; nâng cao năng lực chuyên môn cho các thành viên Hội Xã hội học Việt Nam, từ đó đóng góp tích cực hơn vào hoạt động nghiên cứu, tư vấn và phản biện xã hội./.
Trần Nguyệt Minh Thu