Sáng ngày 18/10/2019, tại hội trường tầng 2 Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Hội Xã hội học Việt Nam (VSA) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Gia đình RC06 của Hội Xã hội học thế giới (ISA) long trọng tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Gia đình trong các xã hội hiện đại và mang tính toàn cầu: Truyền thống được bảo lưu và biến đổi”.
GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch VSA phát biểu khai mạc tại hội thảo |
Bà Susan A. McDaniel, Chủ tịch RC06, ISA phát biểu chào mừng tại hội thảo |
Tham dự hội thảo, về phía khách quốc tế có: GS Susan A. McDaniel, Chủ tịch RC06 và Ủy viên của Ban chấp hành ISA; GS Barbara Barbosa Neves, Tổng Thư ký của RC06; GS Charles Hirschman, Khoa Xã hội học, Đại học Tổng hợp Washington (Seattle, Hoa Kỳ); GS. Emiko Ochiai, GS Đại học Tổng hợp Kyoto (Nhật Bản). Về phía Việt Nam có: TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; TS.Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về phía Hội Xã hội học Việt Nam có GS.TS.Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch VSA; GS.TS.Trịnh Duy Luân, nguyên Chủ tịch VSA; PGS.TS.Vũ Hào Quang, Phó Chủ tịch VSA; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Chủ tịch VSA cùng các giáo sư, tiến sỹ là Ủy viên thường vụ và Ủy viên Ban chấp hành Hội Xã hội học Việt Nam và nguyên là lãnh đạo VSA, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, các diễn giả trong nước và quốc tế trình bày báo cáo tại Hội thảo.
Hội thảo nhằm nhận diện những đặc điểm cơ bản của gia đình ở các nước khác nhau trên thế giới trong giai đoạn hiện đại hóa và toàn cầu hóa, các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự biến đổi gia đình, chính sách đối với gia đình và những xu hướng biến đổi trong vài thập niên tới. Qua đó góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho các thành viên của Hội, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam về nghiên cứu gia đình, từ đó đóng góp tích cực hơn vào hoạt động nghiên cứu, tư vấn và phản biện xã hội của Hội và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật (VUSTA).
Thay mặt Hội Xã hội học Việt Nam, phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS.TS.Nguyễn Hữu Minh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo các đại biểu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đồng thời GS Chủ tịch VSA khẳng định, hội thảo lần này là một sự kiện rất đặc biệt đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý thực tiễn và các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam; đồng thời hi vọng rằng những thông tin khoa học được chia sẻ tại hội thảo sẽ làm phong phú thêm kiến thức xã hội học và giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn về vấn đề gia đình trong thời đại ngày nay.
Qua đó, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo đã đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình trở thành thành viên tích cực của gia đình Hội Xã hội học quốc tế, góp phần mở ra những cơ hội mới để phát triển hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực gia đình giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới.
Ông Phạm Văn Tân và Bà Trần Tuyết Ánh phát biểu chào mừng tại hội thảo
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Bà Susan A. Mc Daniel bày tỏ niềm vui được hợp tác với VSA tổ chức hội thảo lần này tại Hà Nội.Bà nhấn chủ đề hội thảo có ý nghĩa quan trọng và phù hợp trong một thế giới biến đổi nhanh chóng như hiện nay; đồng thời đánh giá cao vai trò của VSA trong việc chia sẻ những nghiên cứu và quan điểm quan trọng cho ISA.Đặc biệt, hội thảo sẽ mang đến nhiều cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học suy nghĩ về sự bền vững và thách thức của gia đình và xem xét các lựa chọn chính sách cùng với các đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.
Trong phát biểu chào mừng tại Hội thảo, TS. Phạm Văn Tân nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế; đồng thời đánh giá cao chất lượng báo cáo và công tác chuẩn bị Hội thảo; đề cao những cống hiến của các nhà khoa học đối với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ông nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chủ đề hội thảo, đó là Gia đình không chỉ mang tính truyền thống mà còn theo kịp những biến đổi trên thế giới.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Trần Tuyết Ánh bày tỏ niềm vui được tham dự hội thảo. Vụ trưởng Vụ Gia đình chỉ ra những thách thức mới trong quá trình phát triển, quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa, từ đó cần có những chính sách mới, phù hợp hơn đối với sự phát triển của gia đình trong giai đoạn mới từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045. Qua đó Bà Trần Tuyết Ánh cũng nhấn mạnh, trên cơ sở chia sẻ của các học giả quốc tế và Việt Nam, hội thảo sẽ góp phần làm giàu thêm kiến thức và kinh nghiệm của VSA và Vụ Gia đình về những vấn đề lý thuyết và thực tiễn về gia đình; mong muốn Đại gia đình thế giới sẽ là ngôi nhà chung gắn bó của tất cả các dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau để chia sẻ những thành tựu, khó khăn và thách thức trong giai đoạn toàn cầu hóa.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Sau hai ngày diễn ra hội thảo với 27 phiên họp và 130 báo cáo, Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến đặc điểm và sự biến đổi gia đình của thế giới trong quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa đã được thảo luận. Hội thảo là diễn đàn khoa học trao đổi học thuật quốc tế quan trọng góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về mối quan tâm chung là nghiên cứu về gia đình. Bên cạnh đó, những người làm công tác thực tiễn ở Việt Nam cũng tìm thấy nhiều gợi ý từ các kết quả nghiên cứu trình bày tại Hội thảo trong việc chuẩn bị luận cứ cho các chính sách về gia đình. Đặc biệt, Hội Xã hội học Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc tổ chức hội thảo nhằm trang bị những hành trang và sự chuẩn bị tích cực hơn nữa vào các hoạt động của Hiệp hội xã hội học quốc tế hướng tới tăng cường mối giao lưu hợp tác khoa họcvới các nhà xã hội học ở các nước trên thế giới.