LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM HỘI XÃ HỘI HỌC VIỆT NAM Đà Nẵng, ngày 07 tháng 8 năm 2023 |
Hội thảo khoa học: Sinh kế và việc làm bền vững cho người dân
khu vực Trung Bộ trong bối cảnh chuyển đổi số – Thực trạng và giải pháp
Thực hiện chức năng tư vấn, giám định và phản biện xã hội, ngày 07 tháng 08 năm 2023, Hội Xã hội học Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Sinh kế và việc làm bền vững cho người dân khu vực Trung Bộ trong bối cảnh chuyển đổi số – Thực trạng và giải pháp”.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 50 bản báo cáo nghiên cứu và báo cáo tham luận các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục và đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục trong cả nước. Trong đó, có 05 báo cáo nghiên cứu và 20 báo cáo tham luận đã được Ban Tổ chức lựa chọn, biên soạn thành Kỷ yếu Hội thảo Khoa học để những người tham dự và bạn đọc nghiên cứu, tham khảo. Hội thảo được tổ chức gồm 02 phiên: phiên sáng và phiên chiều.
Hơn 100 đại biểu đã tham dư hội thảo, bao gồm các Chuyên gia, Nhà khoa học, Nhà quản lý có quan tâm đến xã hội học và chủ đề sinh kế và việc làm bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số trong cả nước. ThS Võ Trung Tịnh – Chánh văn phòng Học viện – Học viện Chính trị Khu vực III, đại diện cho Lãnh đạo Học viện, nơi đã tạo điều kiện cho Hội Xã hội học Việt Nam tổ chức Hội thảo, đã tham dự Hội thảo. Hội thảo đã chia ra làm 2 phiên, với 6 báo cáo trình bày. Ngoài các báo cáo trình bày đã có 22 lượt ý kiến phát biểu tham luận. Các báo cáo trình bày và ý kiến tham luận đã làm sáng tỏ hơn về thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến sinh kế và việc làm bền vững của người dân khu vực Trung Bộ. Trên cơ sở đó đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm cải thiện tình trạng sinh kế và việc làm bền vững cho người dân khu vực Trung bộ trong bối cảnh chuyển đổi số.
Các báo cáo và những ý kiến thảo luận đã đóng góp những phát hiện về thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến Sinh kế và việc làm bền vững cho người dân trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam nói chung và khu vực Trung bộ nói riêng với những điểm nổi bật. Hội thảo khẳng định rằng, trong những năm qua, đã có nhiều thành tựu to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong lĩnh vực sinh kế và phát triển bền vững. Trước hết là mất cân đối về lao động giữa các ngành nghề. Khu vực nông nghiệp nói chung và nghề biển nói riêng việc làm ngày càng ít hấp dẫn đối với lao động trẻ. Khu vực công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt du lịch mang lại thu nhập cao và ổn định hơn nên đã thu hút được nhiều nguồn nhân lực hơn. Tuy vậy, vùng Trung Bộ vẫn phải đối mặt với một thực trạng thiếu nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch Covid 19. Trong những năm qua, du lịch nội địa đã có bước chuyển mạnh mẽ. Điều này góp phần phát triển các địa điểm du lịch tại các tỉnh Trung Bộ, tuy nhiên nó cũng tạo áp lực không nhỏ đối với những địa phương đang thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch tại Trung Bộ là một bài toán cấp thiết.
Hiện nay, chuyển đổi số đã và đang dần len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, mọi mặt của xã hội trong đó có các vấn đề lao động, việc làm. Chuyển đổi số sẽ tác động đến cơ cấu việc làm, đòi hỏi người lao động phải thay đổi phương thức làm việc để có thể thích nghi và nắm bắt cơ hội. Vùng Trung bộ, với lực lượng lao động đông trải dài 14 tỉnh thành thì việc đảm bảo sinh kế và việc làm cho người dân vùng Trung bộ trong bối cảnh chuyển đổi số là vô cùng quan trọng.
Các đại biểu đã chỉ ra rằng: cơ cấu việc làm của người dân chủ yếu là các ngành liên quan đến khu vực dịch vụ cùng với đó có những điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên và văn hóa nên du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn tại khu vực và được các chính quyền đặc biệt quan tâm chú ý và là nguồn sinh kế chủ yếu của một bộ phận người dân sinh sống trên địa bàn khu vực. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cho nên việc làm đang có chiều hướng chuyển dịch lao động sang các lĩnh vực thuộc về công nghệ thông tin và chuyển đổi số tiêu biểu là logistics, tài chính, ngân hàng,…
Trong bối cảnh chuyển đổi số, du lịch cũng đang có sự chuyển mình mạnh mẽ và nó không còn là một chiến lược tùy chọn mà đã trở thành xu hướng không thể thiếu trong bối cảnh hiện nay. Các địa phương vùng Trung Bộ đang dần hình thành và phát triển nền tảng hệ sinh thái du lịch số nhằm tạo điều kiện dễ dàng trong tiếp cận phát triển du lịch, định vị thương hiêu du lịch gắn với bản sắc văn hóa, sản phẩm du lịch và tiềm năng thế mạnh địa phương. Sự phát triển kinh tế số, xã hội số tạo làn sóng chuyển đổi số phát triển nền tảng kỹ thuật, công nghệ mới để kết nối cung cầu trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, phát triển du lịch gắn với bảo đảm sinh kế cho người dân ở vùng duyên hải Trung Bộ đang đặt ra một số vấn đề:
Thứ nhất, sinh kế của người dân duyên hải Trung Bộ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Biến đổi khí hậu với các hiện tượng mưa, bão, lũ lụt xảy ra thường xuyên và diễn biến ngày càng bất thường đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động phát triển du lịch và sinh kế như xác định sự phù hợp của địa điểm, thời gian, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng như phát triển các ngành nghề liên quan đến du lịch của các địa phương trong Vùng. Do đó, những nhân tố mang tính quản lý, quản trị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bối cảnh gây tổn hại đến nhóm đối tượng tiếp cận các nguồn vốn sinh kế nhằm cải thiện tình trạng kinh tế và tăng cường khả năng ứng phó, phòng vệ trước các diễn biến bất lợi từ môi trường. Nhưng công tác dự báo, ứng phó vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế nguồn lực, nhân lực, khả năng nhận thức của người dân và việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ cho việc giữ gìn, tôn tạo chất lượng môi trường các khu du lịch.
Thứ hai, trong bối cảnh du lịch và các ngành nghề dịch vụ liên quan đến du lịch được coi là một sinh kế mới thay thế sinh kế truyền thống tại các địa phương vùng duyên hải Trung Bộ, vấn đề đặt ra là làm thế nào để kết nối được du lịch với công việc truyền thống của người dân ở địa phương nhằm tạo việc làm và thu hút lao động trực tiếp, gián tiếp, lao động theo mùa vụ và lao động tham gia xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động du lịch. Công tác quản lý, hướng dẫn và việc đưa ra các chính sách phát triển du lịch để lựa chọn sinh kế, việc làm có thu nhập ổn định, người dân dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực và tránh được sự giống nhau về các mô hình để thực hiện sinh kế từ du lịch là bài toán đặt ra đối với các địa phương trong Vùng.
Thứ ba, trong quá trình chuyển đổi các ngành nghề kinh tế gắn phát triển du lịch, sinh kế người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa bền vững. Thời gian qua chưa thực sự chú trọng đến lợi thế so sánh của từng địa phương, của vùng nên sự liên kết vùng trong phát triển du lịch để phát huy hiệu quả và tạo chuỗi liên kết bền vững vẫn còn là vấn đề nan giải, chưa có tiếng nói chung giữa các địa phương. Thực tế nếu liên kết tốt dựa trên lợi thế địa phương sẽ là phần bù từ của nhau, tạo ra nhu cầu liên kết để trao đổi khách du lịch giữa các tỉnh thành, giữa các vùng. Vẫn thiếu “nhạc trưởng” đứng ra điều phối, khiến nhiều địa phương trong mắc xích liên kết mới chỉ dừng lại trao đổi kinh nghiệm, hội thảo… chưa đi đến liên kết chặt chẽ với tư cách là những mắc xích trong chuỗi sản phẩm du lịch.
Thứ tư, nguồn nhân lực dồi dào, cơ cấu về độ tuổi lao động trẻ là nguồn cung tốt cho thị trường lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, bởi họ có được sự nhanh nhay trong tiếp cận công việc, có lợi thế về ngoại ngữ và thích ứng được công nghệ số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nhưng ngoài nguồn lực nhân lực này, thì nguồn lực lao động chuyển đổi từ nông, ngư nghiệp sang làm dịch vụ, du lịch, họ chưa có được nhận thức và kỹ năng đúng về ngành du lịch dịch vụ, họ chủ yếu hoạt động tự do, tự phát nên đang ảnh hướng đến chất lượng du lịch địa phương. Đồng thời, một số doanh nghiệp tư nhân, quy mô nhỏ, tự phát chỉ chú trọng đến hoạt động kinh doanh, lợi nhuận mà bỏ qua công tác đào tạo hoặc ít bồi dưỡng người lao động. Trong khi ngành du lịch là một ngành đòi hỏi sự năng động, cập nhật thường xuyên về kiến thức và kỹ năng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.
Sinh kế của các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp ở vùng Trung Bộ mang tính chất chưa bền vững. Cụ thể: Thứ nhất, nguồn vốn tự nhiên của các hộ bị thu hẹp nhiều, đặc biệt là nhóm bị thu hồi tới 75% đất nông nghiệp. Thứ hai, cơ cấu nguồn vốn tài chính của người dân có sự thay đổi đáng kể. Đối với các hộ bị thu hồi nhiều đất nông nghiệp thì trước thu hồi đất chủ yếu là thu từ sản xuất nông nghiệp, sau thu hồi đất chủ yếu từ lao động làm thuê. Việc sử dụng nguồn vốn tài chính của người dân chưa có định hướng rõ ràng. Theo đó, phần lớn dành cho đời sống và sinh hoạt, phần còn lại rất ít dành cho sản xuất và tái sản xuất. Thứ ba, sau thu hồi đất người dân được hỗ trợ chuyển đổi việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, nhằm tăng năng suất lao động và nâng cao giá trị sản phẩm. Đây là cơ hội cho người dân phát triển nguồn vốn con người. Thứ tư, có sự luân chuyển từ vốn tài chính sang vốn vật chất, nhưng nguồn vốn vật chất này đa số là phương tiện sinh hoạt mà không phải là phương tiện sản xuất.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng đã thảo luận và đóng góp các thông tin tham khảo cho các nhà lập chính sách trong xây dựng chính sách thúc đẩy Sinh kế và việc làm bền vững cho người dân trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam nói chung và khu vực Trung bộ nói riêng. Giải pháp đề xuất được phân loại thành nhóm đối với các cấp chính quyền địa phương, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Đảng và Nhà nước cấp Trung ương. Một số khuyến nghị đối với cấp chính quyền địa phương liên quan tới việc Đào tạo nâng cao trình độ học vấn và tay nghề và hỗ trợ điều kiện cho lao động nông thôn làm việc tự do; Tuyên truyền nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo nghề; Quy hoạch, xây dựng các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế; Hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội trong phát triển lĩnh vực du lịch; Có chính sách đào tạo, chính sách việc làm, chính sách an sinh xã hội cho người di cư, lao động nhập cư; Tăng cường công tác quản lý người nhập cư; Có chính sách thu hút nguồn lao động người nhập cư chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực đô thị. Ngoài ra có các khuyến nghị trực tiếp với Liên Hiệp hội và Đảng và Nhà nước cấp Trung ương như được tập hợp lại ở bản Khuyến nghị kèm theo.
Hội thảo kết thúc tốt đẹp vào 17:00 ngày 07 tháng 8 năm 2023.