Ngày 2 tháng 8 năm 2019, Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Khoa Khoa học Xã hội Ứng dụng, Đại học Bách Khoa Hồng Kông tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Di dân và lao động ở Việt Nam” (Migration and Labour in Vietnam) tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo nhằm tìm hiểu, phân tích và cập nhật các xu hướng, hình thức khác nhau của quá trình di dân và lao động ở Việt Nam; đồng thời hướng đến việc bàn thảo về quyền của người di dân và lao động di dân cho các kiến nghị xây dựng, hoạch định và quản lý chính sách.
Tham dự lễ khai mạc hội thảo, về phía khách mời quốc tế có các chuyên gia, học giả như GS. Kaxton Yu-Kwan SIU (Hong Kong), GS. Jakob Pastoetter (CHLB Đức), GS. Chae, Suhong (Hàn Quốc). Về phía Hội Xã hội học Việt Nam, hội thảo được vinh dự đón tiếp GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội. Về phía lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM có sự tham dự của PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng nhà trường; Trưởng/phó các phòng ban: Đối ngoại và quản lý khoa học; Công tác sinh viên; Hành chính – Tổng hợp; Truyền thông & Quan hệ Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của các đại diện đến từ các cơ quan, trường học như: Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội TP.HCM, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại học Đà Lạt, Đại học Văn Hiến, Đại học Hoa Sen, Đại học Mở, Đại học Bình Dương, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, Viện nghiên cứu SocialLife. Ngoài ra,hội thảo còn có sự tham dự của các nhà khoa học và nghiên cứu sinh, học viên cao học và các bạn sinh viên từ các trường Đại học và các Viện nghiên cứu khác.
Hội thảo mở đầu bằng bài phát biểu khai mạc của PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM. Theo PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, hội thảo quốc tế lần này nhằm chia sẻ kiến thức và những trải nghiệm về di dân và lao động, đặc biệt là việc bảo vệ quyền của người di dân và người lao động trong nước và quốc tế. Diễn đàn này là cơ sở cho sự hợp tác về nghiên cứu cũng như đưa ra các kiến nghị cho việc xây dựng, hoạch định và thực hiện các chính sách liên quan đến di dân và lao động. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng nhau tạo lập một mạng lưới kết nối thông qua việc chia sẻ các kết quả nghiên cứu.
Phiên làm việc buổi sáng được tiếp tục với báo cáo đề dẫn của PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Xoan và báo cáo “Lý thuyết và phương pháp di dân lao động” của GS. Kaxton Yu-Kwan SIU chủ trì.Ở phiên làm việc buổi chiều, chia thành hai tiểu ban: “Di dân nội địa và quốc tế của lao động Việt Nam” (phòng D201) và “Lao động, việc làm và tình trạng bấp bênh của lao động Việt Nam” (phòng D202). Tại đây, các tác giả lần lượt trình bày các đề tài nghiên cứu.
Có thể nói, hội thảo này là cơ hội để các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng xây dựng một mạng lưới kết nối thông qua việc chia sẻ kết quả đề tài nghiên cứu của mình. Đặc biệt, sự cộng tác này sẽ góp phần định hướng và trang bị cho nhiều nhà nghiên cứu các kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực lao động di dân, đồng thời mang lại nhiều đề xuất có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng chính sách quản lý người lao động di cư ở Việt Nam và các quốc gia khác.
Chi Hội XHH – ĐH KHXH & NV, ĐHQG-HCM
Ban Truyền thông Hội thảo
Phạm Thị Thuỳ Trang
Hình ảnh:
H1 – Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Hội thảo(Ảnh: Huỳnh Nhi)