Chiều ngày 19/8/2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Xã hội học Việt Nam, Đại sứ quán Ailen, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Tỉnh ủy Bình Dương, Bình Phước tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp uỷ đảng các cấp hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng: Kinh nghiệm tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ Bình Phước và Tỉnh uỷ Bình Dương.
Quang cảnh Hội thảo
GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng chủ trì tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có PGS,TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và chính sách công; GS,TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam.
Dự Hội thảo, về phía đại biểu quốc tế có bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc; ông Sean Farrell, Phó Đại sứ Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam; đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam.
Về phía Việt Nam có đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; đồng chí Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước; đồng chí Nguyễn Minh Thuỷ, Uỷ viên thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tỉnh Bình Dương; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương; các học giả, các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Hội Xã hội học Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Công đoàn, Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng.
GS,TS Lê Văn Lợi báo cáo đề dẫn Hội thảo
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, sự tham gia của cán bộ nữ vào bộ máy quản lý của hệ thống chính trị nói chung và đặc biệt là cấp ủy đảng nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển bền vững đất nước. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành và thực thi trên thực tiễn nhằm tạo cơ hội bình đẳng giữa nam và nữ trong tham gia vào đời sống chính trị của đất nước. Trong đó, Bình Dương và Bình Phước là hai tỉnh miền Đông Nam Bộ, có nhiều điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, văn hóa giống nhau, và đều được coi là điểm sáng trong công tác cán bộ nữ của Việt Nam.
Theo GS,TS Lê Văn Lợi, trong những năm qua thực hiện những quan điểm chỉ đạo của Đảng, tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã triển khai có hiệu quả về công tác cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW năm 2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chỉ thị 21-CT/TW năm 2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Nhờ đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy ở hai tỉnh thuộc vào nhóm cao so với mức trung bình của toàn quốc và trong khu vực Đông Nam Bộ.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, kết quả khảo sát của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội Xã hội học Việt Nam trong tháng 6 vừa qua cho thấy, Bình Dương và Bình Phước có những điểm khác biệt về kết quả thực hiện bình đẳng giới trong cấp ủy các cấp. Bình Dương có tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy cao nhất ở cấp huyện và xã trong khi Bình Phước là tỉnh có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia tỉnh ủy cao vượt trội so với các tỉnh trong khu vực.
Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp uỷ đảng các cấp hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng: kinh nghiệm tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước” là một cơ hội tốt để cùng nhìn nhận và đánh giá sâu sắc hơn thực trạng công tác cán bộ nữ tham gia cấp ủy trong thời gian qua ở 2 tỉnh, qua đó góp phần cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu cho Đảng và Nhà nước Việt Nam các sáng kiến và giải pháp thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.
Ông Sean Farrell, Phó Đại sứ Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Với tinh thần khoa học và trách nhiệm, các tham luận đã khẳng định những thành tựu quan trọng của công tác cán bộ nữ nói chung và sự tham gia của phụ nữ vào cấp uỷ các cấp nói riêng. Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp được quan tâm và tạo điều kiện phát triển. Nhiệm kỳ 2020-2025, cấp tỉnh có 13,3% ủy viên Ban Chấp hành là nữ; Ủy viên Thường vụ là nữ chiếm 10,75%; cấp huyện có ủy viên Ban Chấp hành là nữ chiếm 17,3%; Ủy viên Ban Thường vụ chiếm 13,2%; cấp xã ủy viên Ban Chấp hành là nữ chiếm 20,8%; Ủy viên Ban Thường vụ là nữ chiếm 13,2%. Lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội và có ba phụ nữ trong Bộ Chính trị khoá XII. Nhiều cán bộ lãnh đạo nữ đã vượt qua các khó khăn, thách thức, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, khẳng định và đóng góp cho sự phát triển của địa phương, đất nước.
Sự tiến bộ của Việt Nam được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số khoảng cách giới của Việt Nam đang được thu hẹp, năm 2023 xếp thứ 72 trong 146 quốc gia tham gia xếp hạng, tăng 11 bậc so với năm 2022. Song bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, các báo cáo của Đảng và Nhà nước đều chỉ ra rằng Việt Nam chưa đạt các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong khu vực công; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy và hội đồng nhân dân các cấp có sự gia tăng nhưng còn thấp so với yêu cầu của Nghị quyết 11-NQ/TW, chưa tương xứng với tiềm năng của các tầng lớp phụ nữ.
Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận và làm rõ những kết quả đạt được trong việc triển khai các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ nữ trong cấp uỷ đảng các cấp thời gian qua; đánh giá thuận lợi và khó khăn của việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ trong điều kiện thực tế ở các cấp, các ngành.
Từ thực tiễn của Bình Dương và Bình Phước, Hội thảo đi sâu làm rõ các rào cản trong công tác phát triển cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý nói chung và tham gia cấp uỷ đảng các cấp nói riêng; đặc biệt vai trò của người đứng đầu cấp uỷ trong xây dựng đội ngũ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ các cấp. Trên cơ sở đó, thảo luận và đề xuất các giải pháp đột phá, đồng bộ tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy các cấp, v.v…
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Mạnh Thắng & MH