Hội thảo khoa học “Chuyển đổi các đặc trưng dân số và quản lý phát triển xã hội bền vững – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, hàm ý chính sách đối với Thành phố Bắc Ninh” nằm trong chuỗi hoạt động của Đề tài khoa học và Công nghệ cấp tỉnh 2021-2023: “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trong lĩnh vực dân số và phát triển hướng đến quản lý phát triển xã hội bền vững ở tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030″ do Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì.
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Ninh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động Thương Binh và Xã hội; các nhà khoa học của Hội Xã hội học Việt Nam, Tạp chí Xã hội học và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Tạ Đăng Đoan nêu rõ, xu hướng thay đổi các đặc trưng nhân khẩu học ở Việt Nam nói chung, ở thành phố Bắc Ninh nói riêng dự báo những thách thức trong tương lai đối với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, đặc trưng nhân khẩu học của Bắc Ninh nổi bật ở gia tăng nhóm dân số trẻ và người cao tuổi. Các khu công nghiệp phát triển đã thu hút lực lượng lớn người lao động ở các khu vực lân cận đến sinh sống và làm việc giúp Thành phố có nhiều lợi thế trong tận dụng “cơ cấu dân số vàng”. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng dân số cơ học lớn đang đặt ra những áp lực đối với sự phát triển hạ tầng trên địa bàn Thành phố nói riêng và trên quy mô toàn tỉnh Bắc Ninh nói chung. Mặt khác, trong những năm gần đây, tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sinh của Tỉnh giảm, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên là những biểu hiện rõ của quá trình chuyển đổi từ “già hóa” dân số sang dân số “già”. Do đó, Bắc Ninh vừa phải thực hiện nhiệm vụ chăm lo về y tế, giáo dục, bảo đảm chất lượng giáo dục và cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời cần chuẩn bị các chính sách thích ứng với sự gia tăng nhóm dân số già.
Những thách thức này đòi hỏi tỉnh cần có sự hoạch định các chính sách phát triển kinh tế – xã hội hợp lý và cùng với đó là quá trình thực thi chính sách hiệu quả. Hội thảo hôm nay sẽ góp phần làm rõ các vấn đề thực tiễn trong quản lý phát triển xã hội về dân số của tỉnh hiện nay, thực trạng lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Ninh theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 25-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Ban hành quy định về lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương”.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Bùi Phương Đình nhấn mạnh, Bắc Ninh là một trong những địa phương có lợi thế lực lượng dân số trong độ tuổi 15-64 chiếm tỷ lệ khá và duy trì khá ổn định trong 10 năm qua. Tỉnh hiện có lợi thế rất lớn về cơ cấu dân số vàng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với đó, xu hướng già hóa dân số của tỉnh cũng đang diễn ra và điều này đã mang lại không ít thách thức đối với phát triển của tỉnh Bắc Ninh thời gian tới. Vì thế, nghiên cứu dự báo sự chuyển đổi cấu trúc tuổi dân số, quản lý phát triển xã hội tốt đối với lĩnh vực dân số là một trong những điều kiện tiên quyết giúp tỉnh Bắc Ninh có những giải pháp tận dụng lợi thế dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và những áp lực do tình trạng nhập cư.
Hội thảo nhận được hơn 50 tham luận từ các chuyên gia trong lĩnh vực dân số và gia đình. Hội thảo diễn ra trong 2 phiên: Phiên thứ nhất– Một số vấn đề lý luận về dân số – phát triển bền vững và những vấn đề đặt ra trong quản lý phát triển xã hội về dân số của tỉnh Bắc Ninh hiện nay và Phiên thứ hai – Thực trạng chuyển đổi các đặc trưng dân số ở Bắc Ninh và những tác động đối với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Các tham luận và phát biểu tại Hội thảo nhận định, dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển. Nghị quyết số 21- NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới khẳng định: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân” và đề ra những mục tiêu mới, rộng lớn: “giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Quán triệt Nghị quyết số 21, rất cần nhận diện, lý giải mối quan hệ và tác động nói trên trong thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của Bắc Ninh.
Bắc Ninh nằm ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Với diện tích 822,7 km2 – nhỏ nhất trong số 63 tỉnh/thành nước ta, dân số Bắc Ninh hiện có hơn 1,46 triệu người với mật độ 1.778 người/km2, đứng đầu các tỉnh trong khu vực và đứng thứ ba cả nước (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội).
Trong giai đoạn 10 năm (2009 – 2019), tỷ lệ tăng dân số bình quân hằng năm của Bắc Ninh là 1,45%. Trung bình mỗi năm dân số Bắc Ninh tăng thêm 2,9%, đứng thứ hai toàn quốc về mức tăng dân số (sau tỉnh Bình Dương), tuy nhiên, dân số Bắc Ninh phân bố không đồng đều. Tỷ suất giới tính khi sinh Bắc Ninh vào loại cao trong cả nước với 124 bé trai so với 100 bé gái, cùng với Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Hải Dương tạo nên một cụm khu vực phía Bắc có tỷ lệ sinh con trai cao ở Việt Nam. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (đo bằng số trẻ dưới 1 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh ra sống) là 12,2‰, thấp hơn so với tỷ suất của cả nước; tuổi thọ trung bình của dân số Bắc Ninh (năm 2019) là 74,3, ở mức khá cao, phản ánh quá trình già hóa dân số đang diễn ra khá nhanh ở Bắc Ninh.
Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS Đặng Nguyên Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh, dân số Bắc Ninh tuy có quy mô không lớn nhưng so với dân số các địa phương khác có những đặc trưng gần với dân số đô thị. Vị trí địa lý gần Hà Nội, mạng lưới giao thông kết nối thuận tiện cũng như quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng giúp cho Bắc Ninh có được những lợi thể về chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế. Kết quả phân tích sự biến đổi trong cơ cấu tuổi của dân số Bắc Ninh với 3 nhóm tuổi chính (0-14, 15-64 và 65+) qua các mốc thời gian cho thấy xu hướng chung là dân số trẻ em (0-14 tuổi) giảm từ sau năm 2009 và tiếp tục giảm theo thời gian, cùng với đó dân số cao tuổi gia tăng tương ứng và sẽ tăng mạnh kể từ giữa thế kỷ này (năm 2050). Quá trình già hóa dân số đang diễn ra đối với dân số Bắc Ninh có thể dẫn đến năng suất lao động suy giảm và ảnh hưởng gián tiếp đến tốc độ tăng trưởng, đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội cũng như phát triển bền vững của tỉnh.
GS, TS Trịnh Duy Luân, nguyên Chủ tịch Hội Xã hội học, phân tích làm rõ mối quan hệ giữa quá trình đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và phát triển dân số ở tỉnh Bắc Ninh. Bắc Ninh đã vượt qua ngưỡng phát triển đô thị theo chiều rộng và cần chuyển sang phát triển đô thị theo chiều sâu. Hiện tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đã đạt 100%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 13,95%/năm. Quy mô GRDP đạt 133,6 nghìn tỷ đồng (năm 2021), chiếm 2,71% GDP cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh/thành phố và xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80-85%. Tỷ suất di cư thuần dương gần 13% cho thấy Bắc Ninh đang là địa phương có sức thu hút lao động, nguồn nhân lực quan trọng trong vùng. Do đó, tỉnh cần tiếp tục khẳng định vị thế cực tăng trưởng của vùng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững của nền kinh tế cũng như nguồn nhân lực.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Lê Ngọc Văn, Hội Xã hội học Việt Nam nhấn mạnh, là một tỉnh về cơ bản đã trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Bắc Ninh có nhiều lợi thế trong việc chuyển đổi từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia. Xây dựng nền quản trị địa phương vì hạnh phúc của nhân dân là hướng đi đúng đắn nâng cao chất lượng dân số, giúp Bắc Ninh vượt qua những khó khăn, thách thức, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại – dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước.
Tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng, quản lý phát triển bền vững của tỉnh hiện nay là cần phát triển bền vững về mặt kinh tế theo hướng nhanh chóng; an toàn và chất lượng; phát triển bền vững về mặt xã hội theo hướng công bằng xã hội và phát triển con người, trong đó chỉ số phát triển con người (HDI) là tiêu chí quan trọng nhất; phát triển bền vững môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống. Trong đó, tỉnh cần quan tâm chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh mới.
Kết luận Hội thảo, GS, TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam, đánh giá cao các tham luận và phát biểu tại Hội thảo, đã phản ánh sâu sắc lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa dân số và phát triển, quản lý phát triển xã hội trong lĩnh vực dân số cùng những đặc trưng chuyển đổi dân số của Bắc Ninh thời gian qua, qua đó đề xuất nhiều giải pháp khả thi trong quản lý phát triển xã hội bền vững nói chung, quản lý phát triển xã hội tốt trong lĩnh vực dân số nói riêng của tỉnh Bắc Ninh thời gian tới.
Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tin-tuc/item/4523-hoi-thao-khoa-hoc-chuyen-doi-cac-dac-trung-dan-so-va-quan-ly-phat-trien-xa-hoi-ben-vung-nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ham-y-chinh-sach-doi-voi-thanh-pho-bac-ninh.html