(LĐ online) – Đây là chủ đề Hội thảo khoa học toàn quốc do Trường Đại học Đà Lạt và Hội Xã hội học Việt Nam phối hợp tổ chức tại Đà Lạt ngày 6/8. Tham dự Hội thảo có gần 100 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu và đơn vị trên cả nước cùng gần 100 sinh viên ngành Xã hội học các trường học trong cả nước…
Ban tổ chức tặng hoa các đại biểu tham dự hội thảo
Hội thảo là một hoạt động trung tâm trong chuỗi Ngày Xã hội học Nam Bộ năm 2022, đồng thời cũng là hoạt động tư vấn phản biện xã hội quan trọng của Hội Xã hội học Việt Nam. Khai mạc Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, TS Mai Minh Nhật cho biết: “Xuất phát từ thực tiễn nhu cầu về cán bộ hoạt động trong lĩnh vực dân số và phát triển ngày càng cao, trong khi đó nguồn cung nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này đang thiếu hụt, nhất là ở khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận, từ năm 2020, Trường Đại học Đà Lạt đã mở ngành Dân số và phát triển sau một thời gian dài chuẩn bị”. Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh cho biết, ban tổ chức đã nhận được rất nhiều báo cáo của các nhà xã hội học với phạm vi phong phú các vấn đề mà nghiên cứu xã hội học gợi ra liên quan đến chủ đề Dân số và Phát triển bền vững ở Việt Nam nói chung cũng như ở khu vực Nam Bộ nói riêng. “Thảo luận về các vấn đề này sẽ là đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành Xã hội học nói chung cũng như của chuyên ngành Xã hội học dân số, cả từ góc độ lý luận và thực tiễn”, GS. Nguyễn Hữu Minh phát biểu. Nhiều báo cáo có chất lượng cao trình bày tại Hội thảo được đông đảo đại biểu quan tâm trao đổi thảo luận. Đó là “Bàn về phương hướng nghiên cứu Dân số và Phát triển ở nước ta hiện nay” (Nguyễn Đình Cử – Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em); “Biến đổi dân số ở Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và định hướng chính sách” (Đặng Nguyên Anh – Viện Xã hội học); “Một số yếu tố ảnh hưởng đến mức sinh của gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” (Nguyễn Thị Hồng Xoan – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh); “Những điểm nhấn quan trọng về lĩnh vực dân số và phát triển trong văn kiện đại hội XIII của Đảng” (Đặng Thị Ánh Tuyết – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); “Tác động qua lại của quy mô, cơ cấu dân số trong bối cảnh mức sinh thấp ở nước ta” (Nguyễn Thị Bích Liên – Tổng cục Dân số); “Thực trạng biến đổi dân số và di cư vùng dân tộc thiểu số từ năm 1999-2019” (Nguyễn Thị Kim Hoa – Trường Đại học Khoa học Xã hội và NHân văn Hà Nội)…
MINH ĐẠO